1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Vừa rục rịch có giao dịch, thị trường đã xuất hiện trở lại dự án "ma"

Hà Phong

(Dân trí) - Sau thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản quý III ghi nhận giao dịch tăng trở lại, nhưng xuất hiện trở lại dự án "ma" quy mô lớn.

Thị trường bất động sản quý III vừa qua được nhiều đơn vị nghiên cứu đánh giá có diễn biến theo hướng tích cực. Thanh khoản trên thị trường đang dần được cải thiện, đặc biệt so với giai đoạn khó khăn cuối năm ngoái và những tháng đầu năm nay.

Những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ ngành, bản thân doanh nghiệp bất động sản… đã góp phần tích cực nhằm "giữ" thị trường bất động sản. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể "vượt dốc" nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ "mất phanh".

Theo Bộ Xây dựng, trong quý III vừa qua, nguồn cung bất động sản có sự tăng trưởng rõ rệt. Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý này tăng 300% so với quý II trước đó. Số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở tăng 144% so với quý II và số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong quý III tương đương với quý II năm nay (15 dự án).

Cũng theo Bộ này, lượng giao dịch trong phân khúc đất nền trong quý III tăng hơn so với quý II cùng năm, trong quý có 91.277 giao dịch đất nền, bằng 135,72% so với quý II; đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý III có 29.723 giao dịch căn hộ chung cư, bằng 99,99% so với quý II cùng năm.

Vừa rục rịch có giao dịch, thị trường đã xuất hiện trở lại dự án ma - 1

Công ty Lộc Phúc tổ chức sàn giao dịch bất động sản "ma" bị bắt quả tang vào cuối tháng 8 vừa qua (Ảnh: Văn Việt).

Còn theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm nay, lượng giao dịch của quý II tăng so với quý I và lượng giao dịch quý III gấp 1,5 lần quý II, đạt khoảng 6.000 giao dịch. Dù lượng giao dịch đã tăng trở lại, tuy nhiên nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng giao dịch hiện vẫn chỉ bằng khoảng 10%.

Tuy nhiên, theo VARS, trong quý III, thị trường chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các "dự án ma". Diễn biến trên tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư "tay ngang", thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản.

Đồng thời, VARS nhấn mạnh, cần cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - cho biết, trong nhiều năm qua, các chủ đầu tư dự án bất động sản được "ưu ái" trao cho quyền tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mỗi năm, các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở.

Nhưng song song với đó, thời gian trước đã có không ít các công ty bất động sản "nói một đằng, làm một nẻo", lập ra "dự án ma", đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý... rồi sử dụng chiêu bài "chim mồi" và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng.

"Hậu quả của nó đã để lại là gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản Việt Nam với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp", ông Đính nhấn mạnh.

Theo ông, sau thời gian chiêu trò này bị phát hiện, hàng loạt dự án "ma" bị xử phạt, các cơ quan quản lý Nhà nước liên tục đưa ra văn bản cảnh báo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người bị "lùa" với các hình thức lừa đảo tinh vi hơn.