Vũ điệu mùa hè sôi động diễn ra giữa ngày xuân
(Dân trí) - “Trong khi các lễ hội cổ xưa thường tập trung tôn thờ thần linh thì với Yosakoi, chúng tôi mới là nhân vật chính”.
Khoảng 60 năm trước, một lễ hội đặc biệt đã diễn ra ở tỉnh Kochi - trái ngược hoàn toàn với những lễ hội nhiều lễ nghi, phong tục truyền thống của Nhật Bản. Có tên Yosakoi, lễ hội này tạo điều kiện cho mọi người ở tất cả các độ tuổi tham gia với sự phóng khoáng, tự do và phấn khích. Tinh thần của lễ hội nằm ở điệu nhảy Yosakoi đầy cá tính.
“Xin mời tới đêm nay!”
Dù trông như đã tồn tại hàng thế kỷ nhưng thực ra điệu nhảy này mới chỉ được sáng tạo ở Nhật Bản thời hậu chiến vào năm 1954 khi lễ hội được tổ chức với mục đích xóa bỏ suy thoái kinh tế sau chiến tranh, cầu chúc sức khỏe và thịnh vượng cho dân chúng, cũng như thúc đẩy hoạt động ở các khu phố mua sắm vốn bị giảm thu trong những tháng hè. Trong lần đầu tiên tổ chức, có khoảng 750 người tham gia, nhưng tới năm thứ 30, số người góp mặt đã lên tới hơn 10.000.
Yosakoi được phát triển từ điệu múa truyền thống Awa Odori của tỉnh Tokushima lân cận. Nguồn gốc của Awa Odori nằm trong phong tục Obon của Phật giáo nên mang nhiều tính nghi lễ. Ngược lại, Yosakoi là phong cách nhảy hiện đại, có ít quy tắc hơn.
Cái tên Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ địa phương "Yosarikoi" – 夜さり来い, có nghĩa là "Xin mời tới đêm nay".
Tinh thần phóng khoáng của Yosakoi
Giống như Awa Odori, Yosakoi được biểu diễn tập thể theo đội.
Thông thường trong nhiều lễ hội khác, nhạc và phong cách nhảy đều được quy định, nhưng Yosakoi gần như không có quy tắc đặc biệt nào, ngoại trừ 3 điều sau: Các vũ công phải cầm naruko (đạo cụ bằng gỗ vốn được người nông dân dùng để đuổi chim trên cánh đồng), họ phải di chuyển về phía trước khi nhảy múa và có ít nhất một đoạn trong bài nhạc nguyên gốc Yosakoi Bushi.
Ngoài 3 quy tắc này, các đội được tự do biên đạo động tác, âm nhạc, cũng như thiết kế trang phục. Điều này cho thấy tính phóng khoáng của Yosakoi.
Vũ đạo tùy thuộc vào mỗi đội nên các màn trình diễn được biến tấu rất sáng tạo và ấn tượng. Nhiều phong cách nhảy khác nhau cũng được đưa vào, từ samba, jazz cho tới cả hiphop. Phần lớn các màn biểu diễn là sự kết hợp giữa các yếu tố trong ca múa nhạc cổ truyền Nhật Bản và giai điệu pop/rock đương đại.
Không chỉ sáng tạo âm nhạc, vũ đạo, các đội nhảy Yosakoi còn thể hiện cá tính riêng của mình qua trang phục, vốn ban đầu gồm yukata và áo khoác happi. Cảnh tượng những vạt áo happi được phất ra phía sau để lộ những màu sắc tương phản của yukata khi các vũ công tung mình lên không trung đặc biệt bắt mắt.
Điệu nhảy này đặc biệt phổ biến ở giới trẻ Nhật Bản. "Trong khi các lễ hội khác với nguồn gốc cổ xưa thường tập trung tôn thờ một vị thần thì với Yosakoi, chúng tôi mới là nhân vật chính. Ai cũng có thể tham gia, bất kể tôn giáo, giới tính, chủng tộc hay độ tuổi", vũ công Mayuko Kurita từ Yokohama chia sẻ.
Yosakoi trong lễ hội hoa anh đào
Năng lượng sống động của Yosakoi cùng sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống và hiện đại khiến điệu nhảy trở nên phổ biến khắp Nhật Bản và dần dà trở thành biểu tượng của lễ hội mùa hè. Nhắc đến Yosakoi là nhắc đến những ngày tháng 8 nóng bức nhưng đầy sức sống ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong hàng trăm lễ hội Yosakoi diễn ra trên khắp Nhật Bản, có một lễ hội được tổ chức vào mùa xuân trên đất cố đô. Kyoto Sakura Yosakoi, được biết tới với tên gọi "Sakuyosa" là một trong những lễ hội Yosakoi lớn nhất vùng Kansai.
Sakuyosa bắt đầu được tổ chức từ 15 năm trước, khi sinh viên Kyoto muốn mang tới sự sống động cho vùng đất này với một lễ hội mà ai cũng có thể tham gia. Lễ hội này được tổ chức thường niên vào đầu tháng 4 ở lâu đài Nijo và đền thờ Heian.
Yosakoi bắt đầu là một sự kiện địa phương nhưng rồi nó đã được đón nhận trên khắp Nhật Bản và thế giới. Quy tắc đơn giản và tinh thần tự do, phóng khoáng đã khiến điệu nhảy trở nên phổ biến. Đây cũng là hoạt động thường được Nhật Bản chọn đưa vào giới thiệu trong các chương trình thúc đẩy văn hóa trên thế giới.
Tại Việt Nam, Yosakoi cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ giới trẻ. Điệu nhảy này gắn liền với lễ hội hoa anh đào, một sự kiện nằm trong khuôn khổ giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
Khi được hỏi vì sao Yosakoi lại được thế giới biết đến rộng rãi, vũ công Kurita nói: "Khi nhảy múa, chúng tôi có thể giao tiếp với nhau mà không cần cùng chung ngôn ngữ. Chỉ cần nhảy Yosakoi là bạn có thể cảm nhận được không khí và văn hóa Nhật Bản".