Vòng quanh thế giới ramen của xứ sở mặt trời mọc
(Dân trí) - Mỗi vùng khác nhau tại Nhật Bản lại có cách chế biến mỳ ramen riêng. Vì thế, tuy là một món ăn, nhưng ramen ở từng vùng lại có vị ngon và nét đặc trưng riêng, khó trộn lẫn.
Mì ramen xuất thân là một loại mì đơn giản trụng trong nước dùng của Trung Quốc, sau khi du nhập vào Nhật Bản thì đã trở thành món ăn "quốc hồn quốc túy" và nổi tiếng khắp thế giới. Bát mì ramen thậm chí còn được người Nhật coi như một tác phẩm nghệ thuật và sẵn sàng xếp hàng cả tiếng đồng hồ để thưởng thức.
Mì ramen ở Nhật cũng có nhiều biến thể đa dạng. Một số vùng tại Nhật Bản dùng các loại rau, thịt, hay nguyên liệu địa phương để thêm vào món mỳ ramen trong khi những vùng khác có cách chế biến nước dùng hay nguyên liệu thật khác lạ. Tất cả tạo nên đặc sản ramen của từng địa phương Nhật Bản, không nơi nào giống nơi nào.
Ramen Tokyo
Loại Ramen phổ biến nhất tại Tokyo là shoyu. Đây là loại ramen thêm nước tương tạo nên nước dùng ngả màu nâu. Sợi mỳ ramen tại Tokyo thường rất mỏng. Hầu như các quán ramen tại Tokyo đều phục vụ shoyu ramen. Nước dùng được chế từ nước hầm gà, thêm các loại đồ ăn kèm bên trên như trứng, thịt lợn, rong biển nori, măng ngâm muối menma…
Ramen Sapporo
Món ramen tại Sapporo thường được ăn rất nóng như cách làm ấm người trong thời tiết giá lạnh của mùa đông ở miền bắc Nhật Bản. Mỳ ramen tại Sapporo thuộc loại ramen miso, có vị mặn, bát mỳ đầy ắp với hải sản địa phương vùng Hokkaido và ngô, măng tre…
Ramen thành phố Kitakata
Ramen Kitakata đặc trưng với sợi mỳ dày, nước súp trong được chế từ nước hầm xương gà, lợn, cá sardine. Ramen Kitakata thuộc loại ramen shoyu, tức có thêm nước tương khiến món ăn dậy mùi nước tương shoyu. Ramen tại thành phố Kitakata thường cho thêm các nguyên liệu topping như củ kiệu, măng ngâm menma, xá xíu chashu.
Ramen Hakata
Thuộc loại ramen tonkatsu, ramen ở khu phố Hakata có nước dùng đặc quánh được chế từ quá trình hầm xương lợn hàng giờ tới lúc tạo ra nước dùng đặc, sánh, màu trắng đục. Sợi mỳ ramen ở Hakata thường hơi cứng. Món ăn được phục vụ cùng chashu, củ kiệu negi, nấm và dưa muối beni shoga.
Ramen Wakayama
Cũng thuộc loại ramen tonkatsum nhưng ramen ở thành phố Wakayama sử dụng loại mỳ sợi mảnh, cho thêm nước tương shoyu tạo nên hương vị độc đáo, đặc trưng. Ramen Wakayama thường ăn kèm với negi, menma, chashu, kamaboko - một loại chả cá Nhật Bản.