Vỡ mộng hồi sinh dự án "đắp chiếu", lợi nhuận Landmark Holding lao dốc
(Dân trí) - Chọn dự án Manhattan làm bàn đạp tấn công ra Hà Nội nằm trong chiến lược “hồi sinh những dự án bất động sản đang gặp khó khăn” của Landmark Holding; tuy nhiên mọi thứ lại không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng của doanh nghiệp này...
Sa chân "vũng lầy" khi tiến quân ra Hà Nội
Công ty cổ phần Landmark Holding (Mã CK: LMH) tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long được thành lập vào 24/05/2012, là một trong những công ty trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm xăng dầu.
Khởi đầu với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đến nay, công ty này hiện đã xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, là đối tác chiến lược của Petrolimex, PV Oil.
Tuy nhiên đến cuối năm 2017, công ty này bắt đầu lấn sân mảng bất động sản với quyết định “hồi sinh” dự án Manhattan số 21 Lê Văn Lương – một dự án đắp chiếu đứng trước bờ vực bị thu hồi.
Chọn dự án Manhattan làm bàn đạp tấn công ra Hà Nội nằm trong chiến lược “hồi sinh những dự án bất động sản đang gặp khó khăn” của Landmark Holding; tuy nhiên mọi thứ lại không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng của LMH.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Landmark Holding cho thấy, doanh thu của Landmark Holdings đạt 1.125,6 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4,3 tỷ đồng, giảm tới 74,35%.
Giải trình về việc doanh thu, lợi nhuận “rủ nhau” lao dốc, ban lãnh đạo công ty cho biết do các công ty con và công ty liên kết hoạt động chưa hiệu quả, có lợi nhuận âm.
Đồng thời, 6 tháng đầu năm 2019, ngành kinh doanh xăng dầu, dung môi, hoá chất và bất động sản gặp nhiều khó khăn nên làm cho lợi nhuận cả tập đoàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bế tắc ở dự án đất vàng
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Landmark Holding đang gặp bế tắc ở dự án Manhattan Tower (trước đó dự án này có tên là Thành An Tower).
Đây từng là một trong những dự án “đắp chiếu” gần chục năm, thuộc diện bị UBND quận Thanh Xuân dự kiến thu hồi và tốn không ít giấy mực của giới truyền thông.
Thời gian đầu, dự án do Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc Phòng) làm chủ đầu tư được cấp đất từ năm 2009 tại vị trí “vàng” 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Đến tháng 3/2017 dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng.
Đến 6/12/2017, Công ty xổ phần Đầu tư và Xây dựng Ba Đình (Ba Đình) và Công ty cổ phần Landmark Holding đã ký Hợp đồng thi công xây dựng và Landmark Holding chính thức là tổng thầu xây dựng của dự án Manhattan. Đồng thời công ty này tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc mua toàn bộ căn hộ của dự án Manhattan và trở thành đơn vị trực tiếp phân phối lại các sản phẩm đến khách hàng.
Không ít khách hàng đã "mừng hụt" khi có sự xuất hiện của Landmark Holding với nguồn tài chính vững chắc. Tuy nhiên trên thực tế, dự án đất vàng Lê Văn Lương này một lần nữa rơi vào cảnh đắp chiếu.
Theo tiến độ cam kết, việc bàn giao căn hộ sẽ diễn ra vào quý II/2019 (chậm hơn không quá 90 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến).
Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, dự án đã dừng triển khai từ tháng 12/2018 sau khi đang xây dựng đến tầng 21. Công trường tính đến thời điểm này vẫn vắng vẻ, không một bóng công nhân qua lại.
Trong thông báo gửi khách hàng mới đây, Công ty Cổ phần Landmark Holdings cho biết, sau nỗ lực đàm phán giữa lãnh đạo Landmark Holding và Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình, ngày 11/6/2019, Landmark Holdings nhận được Văn bản số 31/2019/CV/BĐ-21LVL về việc thu hồi quyền khai thác dự án, nhận bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan đến khách hàng, công nợ phải thu của dự án Manhattan.
Đồng thời, từ ngày 15/8, Công ty Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan Tower.
Một nguồn tin của Dân trí cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Landmark Holding đã rót hơn 230 tỷ đồng vào dự án Manhattan Tower.
Với sự tham gia của Landmark Holding, toàn bộ nghĩa vụ thuế, tiền nộp chậm của dự án Manhattan đã được thanh toán với cơ quan thuế.
Trao đổi với Dân trí, ông Trương Hoàng Vũ, Thành viên hội đồng quản trị Landmark Holding cho biết, thời gian đầu Landmark Holdings tham gia dự án với vai trò nhà phát triển, ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho Vinaconex là tổng thầu thi công.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, đã có thỏa thuận ba bên giữa nhà thầu, Landmark Holdings và Chủ đầu tư Ba Đình là Ba Đình sẽ thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thi công Vinaconex. Và do việc Ba Đình không thực hiện đúng thỏa thuận là thanh toán cho bên thi công nên bị dừng dự án.
Theo vị này, bản thân Landmark Holding với vai trò phát triển dự án nhưng vẫn ở thế “bị động”.
“Tôi đã gửi công văn yêu cầu đối thoại làm việc với Ba Đình, thậm chí là cả 3 bên nhưng đến việc đó cũng rất khó khăn. Để chủ động trong việc trả lời cho khách hàng và chủ động trong việc phát triển dự án, tôi được biết là ban lãnh đạo cũng đã đề xuất mua lại toàn bộ dự án để triển khai nhưng việc thương lượng không thành công”, vị này thông tin.
Về lý do dừng dự án, lãnh đạo Landmark Holding cho biết do phía Ba Đình không thực hiện thanh toán theo đúng thoả thuận với bên nhà thầu.
Trường hợp của Landmark Holding với bàn đạp tấn công Manhattan Tower là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy bất động sản không phải là miếng bánh ngon cho bất kỳ ai muốn nhảy vào lĩnh vực này.
Tính đến 30/6, tổng tài sản Landmark Holding đạt 901 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Nợ phải trả của công ty 624,8 tỷ đồng, trong đó có đến 623,8 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.
Đáng lưu ý, hàng tồn kho của Landmark Holding ghi nhận tăng mạnh từ 80 tỷ đồng đầu kỳ lên đến 117 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2019.
Landmark Holding cũng có biến động mạnh khi hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn khỏi công ty.
Nguyễn Mạnh