Vì sao các ngôi chùa Nhật Bản đánh 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa?

Minh Hương

(Dân trí) - Lắng nghe 108 tiếng chuông, mỗi người Nhật sẽ như đang lời tiễn đưa những ham muốn tầm thường, gột rửa được tham vọng trần tục vào thời khắc thiêng liêng.

Một truyền thống đêm giao thừa của người dân Nhật Bản là đến những ngôi chùa gần nhất và chờ đón nghi thức Joya-no-Kane vào nửa đêm. Từ Joya là một cách nói "đêm giao thừa" trong tiếng Nhật, trong khi từ kane có nghĩa là "chuông".

Vào đêm giao thừa, các ngôi chùa trên toàn Nhật Bản có tập tục đánh 108 tiếng chuông trong nghi thức Joya-no-Kane. Trong đó, 107 tiếng chuông đầu tiên được đánh vào đêm 31/12 và tiếng chuông cuối cùng được đánh vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Vì sao các ngôi chùa Nhật Bản đánh 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa? - 1

Nghi thức Joya-no-Kane tại một ngôi chùa ở Tokyo. Ảnh: Livejapan

Theo giáo lý nhà Phật, con số 108 tượng trưng cho 108 tham vọng, nhục dục của con người trong suốt cuộc đời, những tham vọng mang đến nỗi đau khổ cho con người. Khi tiếng chuông cuối cùng vang lên cũng là lúc chúng sinh được gột sạch khỏi những lo âu, muộn phiền của năm cũ. Nghi thức đánh 108 tiếng chuông cũng nhằm gột rửa những tham vọng, ham muốn tầm thường, xấu xa trong lòng mỗi người. Đây có thể coi như một nghi thức thanh tẩy qua những tiếng chuông.

Vì sao các ngôi chùa Nhật Bản đánh 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa? - 2

Nghi thức đánh 108 tiếng chuông đêm giao thừa tại các ngôi chùa Nhật Bản nhằm gột rửa những ham muốn trần tục của con người. Ảnh: Livejapan

Các nhà sư thường trải qua quá trình tu hành khổ hạnh để gột bỏ những ham muốn trong tâm trí. Nghi thức Joya-no-Kane được cho là cũng có khả năng gột bỏ những ham muốn đó khỏi trái tim và tâm trí của những người bình thường, không trải qua quá trình tu hành như các nhà sư.

Đến các ngôi chùa Nhật Bản và đêm giao thừa và lắng nghe tiếng chuông, du khách như được thanh lọc tâm hồn và trái tim và đón chào năm mới với một tâm hồn trong sạch, một trái tim đầy tình thương yêu sau khi đã rũ sạch mọi khổ đau, tức giận, ham muốn.

Vì sao các ngôi chùa Nhật Bản đánh 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa? - 3

Nghi thức Joya-no-Kane thường được thực hiện bởi các nhà sư. Ảnh: Livejapan

Thông thường, các vị sư sẽ là người đánh 108 tiếng chuông. Chỉ một số ít ngôi chùa tại Nhật Bản cho phép du khách tự mình tham gia đánh chuông. Để giành được cơ hội này, du khách cần tới sớm, mua vé hoặc trả một khoản phí nhỏ để có cơ hội được đánh chuông.

Tại Tokyo, một số ngôi chùa thu hút đám đông người dân địa phương và du khách chiêm ngưỡng nghi thức Joya-no-Kane gồm chùa Sensoji, chùa Hongwanji và chùa Zenpukuji.

Chùa Todaiji tại tỉnh Nara và chùa Chion-in tại Kyoto nổi tiếng với những quả chuông khổng lồ, cần tới 17 nhà sư hợp lực để đánh chuông trong nghi thức Joya-no-Kane đêm giao thừa.