Vật liệu xây dựng "xanh": Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới

(Dân trí) - Không chỉ bền bỉ, có tuổi thọ cao, vật liệu xanh được ưa chuộng nhờ thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe khỏe cho người sử dụng.

Sử dụng các vật liệu xanh đang là xu hướng chung và tất yếu của ngành xây dựng thế giới. Điểm hạn chế duy nhất đang cản trở các vật liệu xanh phát triển đó chính là giá thành còn cao.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã chứng minh, việc sử dụng các vật liệu xanh sẽ đáp ứng được 3 tiêu chí là bền bỉ, thân thiện với môi trường và tiết kiệm điện năng.

Vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới - 1

Khu đô thị Ecopark - một trong những khu đô thị được đánh giá là xanh ở Việt Nam

Đặc biệt, vật liệu xanh góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.

Theo KTS Nguyễn Đắc, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu quan tâm và sử dụng các vật liệu xanh trong các công trình xây dựng. Một số vật liệu xanh được ưa chuộng nhất hiện nay có thể kể đến là tre, xỉ thép, xi măng xanh, gạch không nung,...

Nếu bạn đang muốn xây dựng cho mình một ngôi nhà "xanh" đúng nghĩa, có thể tham khảo một vài vật liệu dưới đây:

Tre

Tre là vật liệu xây dựng truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Thậm chí, tre được mệnh danh là “thép của thực vật” nhờ tính chất bền vững và nhẹ hơn thép.

Vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới - 2

Tre được xem là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và có độ bền cao

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tre có độ sinh trưởng nhanh, chỉ cần 3 - 5 năm có thể sử dụng làm vật liệu xây nhà.

Không những vậy, tre còn là vật liệu xây dựng rất thân thiện với môi trường nhờ khả năng hấp thụ CO2 cao gấp 5 lần cây gỗ thông thường và có độ bền cao gấp 5 lần bê-tông.

Gạch không nung

Vật liệu xây dựng "xanh" thứ hai được rất nhiều đơn vị thi công ưa chuộng đó chính là gạch không nung (gạch bê tông bùn).

 Hiện nay, tỷ trọng sử dụng gạch không nung tại Việt Nam chiếm 21% tổng số vật liệu có mặt trên thị trường. Mặc dù vậy, gạch không nung được dự báo sẽ phát triển mạnh trong tương lai nhờ có chi phí rẻ, chất liệu bền.

Vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới - 3

Các công trình được thiết kế với các vật liệu xanh, không gian chan hòa với thiên nhiên đang là xu thế được nhiều người ưa chuộng

Đặc biệt, gạch không nung có vai trò rất lớn trong việc giảm khủng hoảng về vật liệu xây nhà ở trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, gạch không nung (gạch trộn bùn) được trộn thêm sỏi và cát để tăng độ chắc và sức bền. Một nghiên cứu tại Sri Lanka đã khẳng định, gạch không nung có khả năng làm mát rất cao tiết kiệm điện năng, phù hợp với các gia đình sống ở vùng nhiệt đới, có thu nhập thấp.

 Xỉ thép

Vật liệu xây dựng xanh thứ 3 là xỉ thép. Xỉ thép vốn được coi là rác thải trong quá trình vận hành nền công nghiệp nặng.

Vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới - 4

Việc sử dụng xỉ thép trong các công trình xây dựng sẽ góp phần hạn chế khai thác đá, giảm khí thải độc hại ra môi trường

Tuy nhiên, ngày nay, xỉ thép đang rất được ưa chuộng trong xây dựng nhờ các đặc tính hút nước 2,5%, cao gấp 3 lần đất đá, cấu trúc xỉ thép theo dạng tổ ong, độ rỗng cao khiến độ liên kết vật chất cao hơn đá. Đặc biệt, xỉ thép có giá thành chỉ bằng 2/3 so với đá.

Trong xây dựng hiện đại, xỉ thép được dùng làm đá sinh thái thấm nước, tránh ngập lụt trong đô thị. Việc sử dụng xỉ thép trong xây dựng đã góp phần hạn chế khai thác đá, giảm khí thải độc hại ra môi trường.

 Xi-măng xanh

 Xi-măng xanh, hay còn gọi là xi-măng địa polime sử dụng “tro bay” - một trong những sản phẩm phụ công nghiệp dư thừa nhất, với vai trò là vật thay thế cho xi măng Portland, loại vật liệu tổng hợp được sản xuất phổ biến nhất trên thế giới.

 So với xi-măng thường, xi-măng xanh độ chống ma sát cao hơn, chịu lửa tốt hơn, có sức căng và biến dạng cao. Được biết, xi-măng xanh được phát hiện bởi rung tâm Công nghệ Trenchless của trường đại học Công nghệ Louisiana (TTC) - Mỹ.

 Sơn sinh thái

Đây là vật liệu cuối cùng để hoàn thành một ngôi nhà. Khác với sơn thông thường, sơn sinh thái đã loại bỏ các tạp chất độc hại, không chứa chì và thủy ngân, không có chất hữu cơ bay hơi (VOC). Thậm chí, sơn sinh thái còn có ưu điểm hấp thụ CO2, loại bỏ mùi hôi, chống ăn mòn, chống cháy nổ.

Vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng phát triển bền vững trên thế giới - 5

Sơn sinh thái đã loại bỏ các tạp chất độc hại, không chứa chì và thủy ngân, không có chất hữu cơ bay hơi

Theo KTS Nguyễn Đắc, sơn sinh thái còn có khả năng chống bức xạ, chống lại các tầng sóng có hại, bảo vệ người sống trong nhà khỏi các tác động của sóng điện tử,...

Về giá thành, sơn sinh thái có giá đắt hơn 2 - 3 lần so với sơn thông thường. Tuy nhiên, tuổi thọ của sơn sinh thái lên tới 25 năm mà không bị nứt nẻ hay ẩm mốc.

Trong khi đó, các loại sơn thông tường có tuổi thọ chỉ 3 - 5 năm sẽ xuất hiện tình trạng hư hỏng. Chi phí sơn lại sẽ cao hơn rất nhiều so với sơn sinh thái.

Việt Vũ