Tương lai u ám của khách sạn trên mảnh đất vàng Thủ đô

Hàng loạt khách sạn dự tính khai trương năm nay nhưng đều phải lỡ hẹn vì dịch bệnh. Trong khi đó, thảm cảnh ngành này càng tăng khi nhiều đại gia rao bán khách sạn 5 sao.

Vận đen của khách sạn hạng sang

Là khách sạn dát vàng từ trong ra ngoài đầu tiên tại Hà Nội, khách sạn tại khu vực trung tâm được xây dựng trong 18 tháng. Khách sạn có 360 phòng, 120 nghìn m2 mặt ngoài được phủ vàng, diện tích mỗi sàn 1.200 m2 với nhiều vật dụng dát vàng ở các điểm nhấn quan trọng... Theo chủ đầu tư, công trình này có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Khách sạn được hoàn thành vào tháng 3/2020 với dự định phục vụ giải đua xe F1. Tuy nhiên, sự kiện này bị tạm hoãn do Covid -19 nên ngày khai trương cũng lùi lại. Mới đây, khách sạn này cũng đã được khai trương, nhưng với tình hình như hiện nay, tham vọng đạt 50% công suất phòng của chủ đầu tư là điều khó thực hiện.

Tương tự, một khách sạn khác tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay tại ngã tư phố Thái Hà với phố Tây Sơn cũng đang im lìm. Theo giới thiệu, khách sạn này thuê đơn vị nước ngoài quản lý, có tổng diện tích là 60.000m2 với 22 tầng nổi, 3 tầng hầm.

Trước khi đổi công năng thành khách sạn, tòa nhà này từng có một thời gian dài bỏ không. Theo thiết kế ban đầu, đây là một tổ hợp gồm 2 khối: Giai đoạn I thực hiện khối cao 18 tầng phía ngoài đường Tây Sơn là siêu thị và văn phòng cho thuê. Giai đoạn II thực hiện khối 9 tầng dùng làm siêu thị và văn phòng quản lý toà nhà có mặt tiền là đường Thái Hà. Dự án được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành năm 2011.

Tương lai u ám của khách sạn trên mảnh đất vàng Thủ đô - 1

Nhiều khách sạn chưa thể khai trương 

Tại phố Cát Linh, khách sạn 4 sao khác cũng chung tình cảnh tương tự. Đây là một dự án khách sạn 4 sao cao 15 tầng nổi và 3 tầng hầm trên khu đất 1.584m2, với tổng số 250 phòng, có tổng vốn đầu tư là 450 tỷ đồng.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tư vấn Công ty Savills tại Hà Nội, cho biết: “Tại Hà Nội đang có nhiều khách sạn đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư còn đang cân nhắc thời điểm khai trương. Bên cạnh đó có hàng chục khách sạn tại khu vực trung tâm Hà Nội - nơi tập trung nhiều khách du lịch - vẫn chưa mở cửa trở lại sau dịch vì vắng du khách nước ngoài”.

Không chỉ ở Hà Nội mà Đà Nẵng, Nha Trang hay TP.HCM, nhiều khách sạn hạng sang đã hoàn thành nhưng chưa thể khai trương.

Làn sóng rao bán

Theo số liệu của Savills Việt Nam, ngành khách sạn tại Hà Nội đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hiện nguồn cung khách sạn từ 3-5 sao tại Hà Nội đang có tổng số 1.000 phòng. Trong đó có 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao.

Cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã làm ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn Hà Nội. Có 2 khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao tại trung tâm Hà Nội vẫn đang đóng cửa, chưa hoạt động trở lại sau dịch.

Quý 2 vừa qua công suất phân khúc khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội là 21%, giảm 23 điểm so với quý 2 năm ngoái và giảm 52% theo năm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phòng trung bình cũng giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/đêm.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá, đến cuối tháng 8, tại thị trường Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng thoái vốn theo kiểu bán tháo, bán lỗ khách sạn.

Từ đầu năm đến nay không có giao dịch mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay khách sạn tại thị trường Việt Nam. Theo ông, do đây là giai đoạn không chắc chắn và rất khó để định giá tài sản cũng như khó dự báo mức độ rủi ro trước diễn biến phức tạp của Covid-19.

Hiện các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4-5 sao vẫn cầm cự được đến thời điểm này. Các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini đang gặp nhiều áp lực hơn phân khúc cao cấp.

Khảo sát cho thấy, hàng loạt khách sạn đang được rao bán. Đơn cử, một khách sạn cao cấp phố Hàng Chuối đang được rao bán với giá trên 450 tỷ đồng; 2 khách sạn ở phố Hàng Bông được rao bán với giá lần lượt 380 tỷ đồng và 510 tỷ đồng...

Theo Deal Street Asia, Công ty TNHH Strategic Property Investors (trụ sở tại Thái Lan) đang rao bán 100% cổ phần tại 3 khách sạn ở VN và Indonesia. Trong đó, có 2 khách sạn ở VN là Ibis Saigon (Q. Tân Bình, TP.HCM), Capri by Frasers (Q.7, TP.HCM).

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thông báo đấu giá hàng loạt khoản nợ “khủng”. Trong đó, một khoản nợ được nhà băng này đấu giá với mức hơn 377,98 tỷ đồng liên quan đến Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại Q.7, TP.HCM. Đáng chú ý, hồi cuối năm 2019, tòa nhà này được rao bán với giá gần 540 tỷ đồng.

Ông Mauro Gasparotti dự báo, đến năm 2022 thị trường du lịch nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi hoàn toàn và từ nay đến 2 năm tới, có khả năng xảy ra tình trạng bán tháo tài sản nếu đà phục hồi đến quá chậm.

Trong 6 tháng tới, nếu tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, có thể các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn buộc phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ dòng vốn.