1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Từ khu công nghiệp đầu tiên tại TPHCM, thị trường này ra sao sau 30 năm?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Đến nay, cả nước có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 63.000ha. Tuy nhiên, chuyên gia tổng kết để đầu tư KCN phải đối diện 10 khó khăn chính.

295 KCN với gần 52.000ha đất đã cho thuê

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý về sự phát triển của thị trường khu công nghiệp (KCN) trong hơn 30 năm qua, tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Năm 1991, KCN đầu tiên được thành lập tại TPHCM (Khu chế xuất Tân Thuận). Tính đến hết tháng 10, cả nước có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu). Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 63.000ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51.800ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.

Từ khu công nghiệp đầu tiên tại TPHCM, thị trường này ra sao sau 30 năm? - 1

Khu chế xuất Tân Thuận - dự án khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: KCX Tân Thuận).

KKT cửa khẩu được thành lập sớm nhất vì mục đích thí điểm là KKT cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Đến nay, 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000ha. Các KKT cửa khẩu thu hút được trên 300 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 83.000 tỷ đồng và trên 1 tỷ USD .

KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) là KKT ven biển đầu tiên được thành lập năm 2003. Đến nay cả nước đã có 18 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích 857.600ha (kể cả diện tích mặt biển), trong đó khoảng 141.900ha đã được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.

Tính đến cuối tháng 10, khoảng 64.400ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21.500ha. 

Đến nay, hệ thống KCN, KKT trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn. Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh các giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thời gian qua đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường.

Tại các KCN đã chuyển đổi này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đã xuất hiện sự liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. 4 KCN thí điểm chuyển đổi gồm KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.

Từ năm 2020 đến nay, mô hình KCN sinh thái được nhân rộng tại thêm 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TPHCM. Ngoài ra, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương, thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế...

Những yếu tố cần hoàn thiện

Cũng tại diễn đàn, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết qua tìm hiểu, khảo sát từ các nhà đầu tư, rút ra được 10 khó khăn chính trong việc phát triển các KCN. Trong đó, khó khăn hàng đầu chính là thủ tục hành chính và pháp lý. Trước hết, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng.

Nghị định 35 của Chính phủ về phát triển KCN đã là một cấp tiến nhưng đâu đó có một số tiêu chí chưa rõ ràng, như khi nói đến khu đô thị dịch vụ thì một doanh nghiệp hình dung như nào, vẫn còn rất khó. Do đó, doanh nghiệp rất cần hướng dẫn một cách chi tiết.

Tiếp đó là việc chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang KCN đô thị dịch vụ. Doanh nghiệp quan tâm cơ chế ưu đãi, cơ chế định giá đất, tiền thuê đất. Trong 2-3 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp muốn nộp tiền nhưng chưa thực hiện được.

Một khó khăn nữa mà ông Lực đề cập là việc phân cấp, ủy quyền, đây là điều Thủ tướng rất mong muốn. Dù đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn vướng mắc. Cuối cùng, nhiều nhà đầu tư mong muốn có "sổ tay" hướng dẫn quy trình đầu tư đều được dễ dàng, công khai trên mạng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Ông Kasahara Masayuki, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TPHCM, cho rằng Việt Nam cần có quy định với 1 bộ tiêu chuẩn chung cũng như cụ thể về bộ chỉ tiêu KCN xanh, KCN sinh thái. Ở Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia mà JICA đã hỗ trợ cho thấy cần có sự phối hợp Chính phủ và đại diện KCN để xây dựng bộ chỉ tiêu này.

Điều này cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành để cung cấp các giải pháp toàn diện, ngoài ra cũng cần có những hành động phù hợp để tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vào KCN. Việt Nam cần hệ thống tích hợp để làm sao có một hệ thống quy định, hướng dẫn, kiểm định xem có đạt tiêu chí KCN sinh thái hay không, đại diện JICA nêu.