Từ chiếc vòng quay 113 tuổi nghĩ về văn hoá bảo tồn của Nhật

Mai Nâu

(Dân trí) - Nhật Bản đã tự hiện đại hóa trong 150 năm qua, tích cực xóa bỏ cái cũ vì lợi ích của tiến bộ kinh tế - xã hội. Trong nhiều trường hợp, việc bảo vệ di sản văn hóa đã bị gạt ra ngoài lề.

Từ chiếc vòng quay 113 tuổi nghĩ về văn hoá bảo tồn của Nhật - 1

Công tác bảo tồn di sản của Nhật Bản được đánh giá cao. (Ảnh: Evgeny Tchebotarev)

Người Nhật vốn tự hào về những di sản văn hóa nhiều thế kỷ của đất nước. Những đền chùa, công trình cổ được Nhật Bản bảo tồn và duy trì ở mức độ khiến thế giới phải nể phục.

Tuy nhiên, câu chuyện về chiếc vòng quay El Dorado 113 tuổi với số phận bất định sau khi công viên giải trí đóng cửa đã khiến người ta nhìn lại về văn hóa bảo tồn của người Nhật.

Gần 50 năm đứng trong công viên giải trí Toshimaen, El Dorado là kỷ niệm mùa hè của rất nhiều người dân Nhật Bản. Khi có thông tin đóng cửa, người ta đã đổ xô tới nơi này để đi một chuyến cuối cùng.

Sự hoài niệm, dẫu gì, cũng chỉ là thoáng qua. Các nhà bảo tồn lịch sử nghĩ công chúng Nhật Bản sẽ không tụ tập để giải cứu vòng quay, như các nhóm ở Mỹ và châu Âu vẫn làm cho những vòng quay ngựa gỗ và các trò chơi trong công viên giải trí khác.

Từ chiếc vòng quay 113 tuổi nghĩ về văn hoá bảo tồn của Nhật - 2

Vòng quay 113 tuổi El Dorado. (Ảnh: Noriko Hayashi / NYT)

Sau Thế chiến thứ hai, chính phủ Nhật Bản đã thông qua đạo luật cho phép những công trình kiến trúc được xây dựng sau thế kỷ 17 có thể được coi là tài sản di sản văn hóa. “Trước đó, mọi người nghĩ rằng: Ồ, nó vẫn còn mới, không phải một di sản văn hóa quan trọng”, Michiru Kanade, một nhà bảo tồn và lịch sử kiến trúc giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Tokyo cho biết.

Nhưng ngay cả bây giờ, hiểu biết của công chúng về cách thực hiện các chiến dịch bảo tồn lịch sử "là điều chưa được biết tới rộng rãi”, Kanade nói.

Tiêu chuẩn xuất phát từ quá khứ

Có thể quan điểm của Nhật Bản về những gì cấu thành nên một di sản văn hóa phụ thuộc nhiều vào quá khứ. Sau các cuộc không kích trong Thế chiến II, quá trình đổi mới đô thị liên tục đã trở thành một nét đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Và với mối đe dọa ngày càng lớn của động đất, các công trình thường bị san bằng, để rồi xây dựng lại với các tiêu chuẩn an toàn cao hơn.

Về cơ bản, quốc đảo nhiều núi non này không có nhiều không gian cho 126 triệu cư dân của mình. Natsuko Akagawa, giảng viên cấp cao về khoa học nhân văn tại Đại học Queensland (Úc), cho biết: “Người ta nói rằng đất đai quý giá tới mức chúng tôi không thể giữ lại vẹn nguyên tất cả các tòa nhà cũ”.

Từ chiếc vòng quay 113 tuổi nghĩ về văn hoá bảo tồn của Nhật - 3

Động đất khiến người Nhật quen với việc tái xây dựng các công trình. (Ảnh: Reuters)

Công tác bảo vệ di sản được thực hiện chủ yếu bởi chính phủ Nhật Bản từ cách đây hơn 150 năm. Những sự kiện mang tính dấu mốc như công cuộc phục hồi Meiji năm 1868 và quá trình dân chủ hóa vào cuối Thế chiến II năm 1945 đã tác động lớn tới cách xác định đâu là di sản cần được bảo vệ, cũng như hệ thống thực thi.

Giải cứu tài sản của giới quý tộc đang vào thời kỳ suy tàn và các đền chùa là mục đích ban đầu vào cuối những năm 1800. Nhưng sau Thế chiến II, động lực mang tính dân tộc trở nên quan trọng hơn.

Trong giai đoạn này, di sản được coi là tài sản quốc gia, nhưng vẫn là một bộ phận tương đối nhỏ trong xã hội suốt một thời gian dài.

Nhật Bản đã tự hiện đại hóa trong 150 năm qua, tích cực xóa bỏ cái cũ vì lợi ích của tiến bộ kinh tế - xã hội. Kể từ sau 1945, hiến pháp mới của Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế. Trong nhiều trường hợp, việc bảo vệ di sản văn hóa đã bị gạt ra ngoài lề.

Nhật Bản đã xây dựng nhiều bộ luật để quy định về công tác bảo tồn, trùng tu di sản cũng như di chỉ văn hóa. Nhưng tiếc thay El Dorado có vẻ không nằm trong khuôn khổ những quy định ấy.