Triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn sau búp bê Daruma
(Dân trí) - Ẩn sau hình tượng búp bê Daruma với thiết kế hình tròn màu đỏ đơn giản là cả bài học về cách làm người, về thái độ khi đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống của người Nhật Bản.
Nguồn gốc búp bê Daruma
Daruma được coi là biểu tượng may mắn phổ biến thứ hai ở Nhật Bản, sau chú mèo Maneki Neko. Búp bê này lấy hình tượng từ đức Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc.
Chuyện kể rằng đức Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền suốt 9 năm không nghỉ. Trong thời gian đó, tay chân của Bồ Đề Đạt Ma đã trở nên teo đi, nhăn nheo và thoái hóa. Ngài cũng cắt mí mắt của mình do tức giận vì ngủ quên trong lúc thiền định. Mí mắt của Bồ Đề Đạt Ma rơi xuống đất và biến thành cây trà xanh. Đó là lý do vì sao các nhà sư có thói quen uống trà xanh để giữ tỉnh táo.
Người Nhật đã dựa vào điển tích này để tạo ra những con búp bê Daruma hình tròn, không có chân tay hay mắt, mô phỏng theo tư thế thiền định của đức Bồ Đề Đạt Ma.
Tư tưởng sâu sắc trong chú búp bê nhỏ
Mỗi chi tiết trong tạo hình búp bê Daruma đều mang ý nghĩa sâu sắc. Nét đặc trưng dễ thấy của búp bê Daruma là chúng hoàn toàn không có tròng mắt. Điều này liên tưởng tới truyền thuyết đức Bồ Đề Đạt Ma cắt đi mí mắt của mình.
Một ý nghĩa sâu xa khác liên quan tới việc người Nhật tạo ra những con búp bê Daruma để chúng theo dõi mục tiêu và đốc thúc họ thực hiện nhiệm vụ đó trong năm. Khi mua búp bê Daruma về, người Nhật sẽ dùng bút lông vẽ lên một bên mắt búp bê Daruma để thể hiện lòng quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi mục tiêu đã được hoàn thành, họ sẽ vẽ nốt bên mắt còn lại.
Lông mày, râu trên mặt búp bê Daruma đại diện cho rùa, chim hạc. Đây là hai loài động vật biểu tượng cho trường thọ trong văn hóa Nhật Bản cũng như tại Đông Á. Những người nghệ nhân tạo hình lông mày, râu búp bê Daruma theo hình tượng rùa, chim hạc theo câu ngạn ngữ cổ Nhật Bản: “Hạc sống 1.000 năm, rùa sống 10.000 năm”.
Thân hình búp bê Daruma không có tay chân, bắt nguồn từ điển tích tay chân đức Bồ Đề Đạt Ma bị thoái hóa sau 9 năm thiền định. Tuy nhiên, người Nhật còn gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc qua hình tượng búp bê Daruma hình tròn, đáy nặng tạo sức bật lên luôn trở về vị trí đứng thẳng dù bạn có xô ngã chúng bao nhiêu lần.
Búp bê Daruma đại diện cho tinh thần kiên cường của con người Nhật Bản, thể hiện qua câu tục ngữ: “7 lần vấp ngã, 8 lần đứng dậy”. Người Nhật trưng bày búp bê Daruma như một cách nhắc nhở bản thân luôn đứng lên và tiếp tục hành động cho tới khi đạt được mục tiêu dù trải qua bao nhiêu lần vấp ngã.
Bụng búp bê Daruma thường được viết những ký tự kanji có nghĩa là “phước”, “may mắn” với ý nghĩa những con búp bê sẽ mang may mắn tới cho chủ nhân. Đôi khi người Nhật cũng viết những điều ước, mục tiêu của mình lên búp bê Daruma để nhắc nhở bản thân luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Màu sắc phổ biến nhất của búp bê Daruma là màu đỏ, bắt nguồn từ màu áo đỏ của Bồ Đề Đạt Ma. Một truyền thuyết khác lại kể rằng, màu đỏ của búp bê Daruma có thể liên quan tới giai đoạn xa xưa khi dịch đậu mùa hoành hành tại Nhật Bản. Người dân khi đó bắt đầu mặc các trang phục màu đỏ để yên lòng các vị thần và giúp đẩy lùi dịch bệnh. Những người bị bệnh đậu mùa thường mặc quần áo màu đỏ, trong khi những người chết được bọc trong những tấm vải liệm màu đỏ. Những con búp bê Daruma được coi như lá bùa giúp xua đi bệnh tật và là biểu tượng của sự hồi phục.
Búp bê Daruma trong đời sống Nhật Bản hiện đại
Ngày nay, búp bê Daruma món quà lưu niệm nổi tiếng với nhiều du khách khi du lịch Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn được đông đảo người dân Nhật Bản ưa thích và mua trưng bày ở những góc trang trọng trong nhà với niềm tin những con búp bê sẽ giúp họ đạt được mục tiêu trong cuộc sống.
Sau một năm kể từ khi mua búp bê Daruma, người Nhật mang búp bê về ngôi chùa họ đã mua nó và thực hiện nghi thức đốt búp bê Daruma, dù điều ước của họ đã thành hiện thực hay chưa. Một số ngôi chùa tại Nhật Bản tổ chức nghi lễ daruma kuyo hay dondoyaki, tại đó hàng cột búp bê Daruma được đốt cùng lúc.
Điều này không có nghĩa là người Nhật từ bỏ mục tiêu của mình khi chưa thực hiện được. Nó mang ý nghĩa một giai đoạn mới lại khởi đầu và người Nhật lại bắt đầu chặng đường mới trên con đường hoàn thành mục tiêu.
Hiện búp bê Daruma chủ yếu được sản xuất tại thành phố Takasaki, tỉnh Gunma. Thành phố sản xuất 80% búp bê Daruma tại Nhật Bản. Từ đây, những con búp bê Daruma được đưa đến khắp các thành phố Nhật Bản, trở thành biểu tượng may mắn được yêu thích và trưng bày tại các nhà dân, các nhà hàng, cửa hiệu.
Người Nhật nổi tiếng thế giới với hệ tư tưởng, triết lý sâu sắc đầy chiêm nghiệm. Điều đó thể hiện qua hình ảnh một con búp bê Daruma nhỏ bé, nhưng đại diện cho tinh thần Thiền tông phật giáo đề cao lòng kiên nhẫn, kiên trì bền bỉ, đức hy sinh để đạt được mục tiêu.