Tranh luận về siết bất động sản cao cấp: Bán ế doanh nghiệp tự khắc giảm?

(Dân trí) - Bộ Xây dựng cho rằng địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới những dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp. Giải pháp này ngay sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Tranh luận về siết bất động sản cao cấp: Bán ế doanh nghiệp tự khắc giảm? - 1

Bộ Xây dựng cho biết, thị trường xảy ra tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Tranh luận trái chiều

Trong báo cáo mới đây được gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới những dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

Theo Bộ này, thị trường xảy ra tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Do vậy, để đảm bảo cân đối cung - cầu tránh tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần siết đầu tư bất động sản cao cấp.

Giải pháp này của Bộ Xây dựng ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều. Một số ý kiến đồng tình việc nhà nước cần có những can thiệp phù hợp để ổn định thị trường, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến gay gắt phản đối, cho rằng việc can thiệp như vậy dễ nảy sinh những hệ luỵ.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tồn kho hiện nay chủ yếu phân khúc cao cấp.

Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản, phân khúc cao cấp có lượng hàng tồn “nặng” nhất. Trong khi đó, phân khúc trung cấp, đặc biệt là bình dân lượng tiêu thụ rất tốt.

Ông Đính cho biết, phân khúc bình dân lâu nay bị doanh nghiệp “thờ ơ”, mặc dù bán rất tốt. Thậm chí những nơi như Hà Nội, TP.HCM, căn hộ giá bình dân đang gần như “biến mất”. 

Do vậy theo ông Đính, cần thiết có những can thiệp, điều chỉnh nguồn cung trên thị trường, việc này cũng nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.

Đồng thời với việc hạn chế nguồn cung cao cấp, vị chuyên gia cho rằng cũng cần có những cơ chế khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà xã hội, nhà bình dân.

“Doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm”, ông Đính nói thêm.

Bán ế tự khắc doanh nghiệp giảm

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược lại cho rằng, nên để thị trường tự điều tiết, Bộ Xây dựng hay các địa phương không cần can thiệp quá sâu.

“Thừa thì ế, ế không bán được họ tự sẽ phải giảm, phải điều chỉnh, không giảm lượng dự án thì giảm giá. Đầu tư quá thì họ sẽ tự đào thải mình", ông Lược nói với Dân trí.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cũng cho rằng nên để thị trường tự điều tiết. Ông Toản lo ngại giải pháp siết đầu tư dự án cao cấp khá “mù mờ”.

“Dự án như thế nào là cao cấp, giá bao nhiêu là cao cấp, tiêu chí cụ thể ra sao”, ông Toản lo ngại nảy sinh tiêu cực có thể làm rào cản cho doanh nghiệp.

Chưa kể theo ông Toản, quỹ đất ở những khu vực đắc địa, “đất vàng" thì làm sao doanh nghiệp có thể tính xây nhà bình dân?

“Hãy để nhà đầu tư tự tính, để thị trường quyết định. Nếu nhà nước cần khuyến khích nhà bình dân, nhà ở xã hội thì có thể khuyến khích bằng cơ chế, bằng công cụ thuế, ưu đãi lãi suất…”, ông Toản kiến nghị.

Theo nhận định của ông Toản, phân khúc thừa nhiều hiện nay là phân khúc bất động sản du lịch, condotel… Có thể xem xét cân nhắc tính toán việc phát triển nguồn cung với những dự án này để đảm bảo vấn đề quy hoạch, tránh lãng phí của cải xã hội.

Nguyễn Mạnh