TPHCM: Một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu

Quế Sơn

(Dân trí) - Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TPHCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 2,42 triệu tỷ đồng (tương đương trên 104 tỷ USD), tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ trung và dài hạn chiếm 52%.

Theo HoREA, ở lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng khoảng 293.750 tỷ đồng (tương đương 12,7 tỷ USD), tăng gần 6% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, bao gồm gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ, thì dư nợ còn 2.985 tỷ đồng với 8.554 khách hàng, bao gồm hai doanh nghiệp dư nợ 120 tỷ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình dư nợ 2.865 tỷ đồng.

TPHCM: Một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu - 1
TPHCM: Một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TPHCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Trong đó, có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

"Cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Số này chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát và quản lý phù hợp", Chủ tịch HoREA cho hay.

Số liệu của HoREA cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có hơn 1.000 đợt phát hành từ 175 doanh nghiệp với tổng giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng đối với doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 173.500 tỷ đồng và chiếm hơn 40%. Đây cũng là tỷ trọng cao nhất toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Đáng quan ngại là tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỉ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu. Tuy nhiên, Nghị định 81/2020 có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 nhằm qui định chặt chẽ các điều kiện phát hành khiến lượng trái phiếu trong tháng 9 giảm đến 84% so với tháng 8”, ông Châu chia sẻ.

Thế nhưng, bất cập hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín để đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Trong đó, có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo minh bạch thông tin cũng như góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu.

Theo qui định mới, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải kinh doanh có lãi (lợi nhuận sau thuế năm liền trước là số dương và không có lỗ lũy kế đến thời điểm phát hành).

Theo đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản có khả năng không đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, các qui định về hồ sơ phát hành và công bố thông tin cũng khắt khe hơn, các bước thực hiện cũng tốn thời gian hơn.