TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”?

Đại Việt

(Dân trí) - Khu Tây TPHCM đang “thay da đổi thịt” từng ngày, cộng với giá bất động sản còn “mềm” sẽ là lợi thế rất lớn để phát triển và sánh vai cùng “người đàn anh” khu Đông.

Khu Tây TPHCM có hệ thống giao thông kết nối thuận tiện

Thành phố phía Đông hay còn gọi là thành phố Thủ Đức là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức.

Theo đó, 3 quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ được gộp lại là thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Thành phố Thủ Đức sẽ là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, phù hợp cho việc phát triển kinh tế số, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo.

Việc tập trung cho phát triển khu Đông cũng đang khiến giá bất động sản của khu vực này đang “nhích” lên từng ngày. Giá đất ở một số tuyến đường nhỏ, hẻm xe hơi ở quận Thủ Đức đang dao động từ 60 – 65 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường lớn có thể lên tới 80 – 150 triệu đồng/m2.

TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”? - 1

Khu Đông TPHCM được coi là khu vực "nóng sốt" về bất động sản trong thời gian qua. Ảnh: Đ.V

Nhiều người cho rằng, TPHCM đang tập trung quá nhiều cho khu Đông, trong khi khu Tây - phía bên kia thành phố đang bị “bỏ rơi”. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà, chúng tôi gặp ông Phùng - làm nghề môi giới bất động sản nhiều năm tại khu vực quận 8 và quận Bình Tân.

Ông Phùng đưa chúng tôi đến một ngôi nhà trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8). Ngôi nhà rộng 54m2, xây dựng 1 trệt 1 lầu đang được rao bán với giá 4,3 tỷ đồng.

Ông Phùng cho biết, đây là ngôi nhà được mua vào năm 2018 với giá 3 tỷ đồng. Mỗi năm, ngôi nhà có giá tăng khoảng 600 - 700 triệu đồng. Đây là mức tăng ổn định và khuyên chúng tôi nên mua để ở hoặc mua đầu tư đều rất tốt.

“Ở quận 8, em mua nhà càng gần ngã tư Đại lộ Võ Văn Kiệt – An Dương Vương thì càng thuận tiện. Đi quận 5, quận 10, quận 1 đều rất gần, chỉ mất khoảng 15 – 20 phút. Chính vì vậy mà giá nhà đất quanh khu vực này đều có mức tăng ổn định”, ông Phùng nói.

Cũng theo ông Phùng, giá nhà đất ở các tuyến đường gần Đại lộ Võ Văn Kiệt, An Dương Vương (quận 8) đang có mức từ 60 – 70 triệu đồng/m2, tùy vào độ rộng rãi của đường phía trước nhà cũng như tiện ích xung quanh như: chợ, siêu thị, trường học…

Theo ghi nhận của PV Dân trí, khu vực gần tuyến đường Võ Văn Kiệt, An Dương Vương đang thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản đến đầu tư, trong đó có cả những đại gia khu vực Tây Nam Bộ.

TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”? - 2

Khu vực ngã tư Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (quận 8) được coi là khu vực có vị trí đẹp hàng đầu ở khu Tây TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Chị Huỳnh Thị Xuyên cho biết, chị thuê nhà ở quận 11 đã nhiều năm và đang có ý định mua nhà ở khu vực quận 8 vì giá cả vẫn còn “mềm”.

“Tôi quê ở Long An, đi làm ở quận 10 nên mua nhà ở quận 8 hoặc Bình Tân thì đi làm cũng gần và về quê cũng thuận tiện. Gia đình tôi đã nhắm được một ngôi nhà ở đường Hoàng Ngân (quận 8) với giá 4,5 tỷ đồng”, chị Xuyên nói.

TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”? - 3

Giá nhà phố và đất nền tại khu Tây TPHCM cũng đang khá "mềm", dao động ở mức 60 - 70 triệu đồng/m2. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thì khu Tây đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng trong thời gian qua và không hề thua kém gì “người đàn anh” khu Đông.

“Nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều bệnh viện lớn hàng đầu của TPHCM đã được xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình 10 năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM – Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc “tỷ đô” TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh), TPHCM – Cần Thơ, tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên), Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).

TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”? - 4

Giao thông ở khu Tây đang có tính kết nối tốt với trung tâm TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh. Đây là "đà bật" rất tốt cho bất động sản khu vực này. Ảnh: Đại Việt

Ngoài các tuyến Metro, TPHCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 2, giúp giao thông khu Tây TPHCM kết nối với các quận nội thành và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.

Đặc biệt, sự kiện chính thức thông xe nhánh N2 nút giao thông An Sương tháng 7 vừa qua và đề xuất kéo dài đại lộ Võ Văn Kiệt nối liền Long An được nhận định là một điểm nhấn trong bức tranh hạ tầng tổng thể của khu Tây TPHCM, thúc đẩy thông thương và phát triển kinh tế cho khu vực đông dân bậc nhất Sài Gòn.

Chính vì vậy, giá bất động sản tại khu Tây cũng không hề “dậm chân tại chỗ” trong thời gian qua. Mức tăng giá bất động sản dao động ở mức 18 – 25%/năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia bất động sản tại TPHCM cho biết, tại TPHCM, mỗi trục đều có những lợi thế phát triển riêng. Bất động sản phát triển là nhờ vào nhu cầu của thị trường, nhu cầu nhà ở thật của người dân.

Theo bà Hương, ở khu Tây, mật độ dân số đã tăng mạnh trong thời gian qua. Điển hình như quận Tân Phú và huyện Bình Chánh, từ những quận huyện thưa thớt dân cư thì nay đã phát triển rất sầm uất. Hạ tầng phát triển tốt và giá bất động sản còn “mềm” là lợi thế để khu Tây phát triển.

“Nếu nói về mức tăng giá thì bất động sản khu Đông là khu có mức tăng tốt nhất tại TPHCM nhưng nếu nói về mức giá hợp lý thì khu Tây là khu đang có mức giá bất động sản rất tốt. Gọi là mức giá hợp lý, bởi mức giá này tăng ổn định, đều và dựa vào nhu cầu thật của thị trường”, bà Hương chia sẻ.

TPHCM: Bất động sản khu Đông “nóng sốt”, khu Tây có “dậm chân tại chỗ”? - 5

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia bất động sản tại TPHCM. Ảnh: Đ.V

Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai, giá bất động sản khu Tây TPHCM sẽ còn đi lên và số lượng giao dịch cũng sẽ tăng. Bởi nơi đây không chỉ là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển đô thị tập trung và đa cực của TPHCM mà còn là khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư, hạ tầng kết nối cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại…

Đặc biệt, với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch hợp lý thì khu vực này dự báo sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với khu Nam và khu Đông của TPHCM.

Hiện nay, trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung thì cũng chỉ có một số dự án bất động sản mới “bung hàng” tại khu Tây. Đây được xem là thời điểm bung hàng nhiều lợi thế về sức mua lẫn giá bán.