Toàn cảnh khu đô thị Ciputra tỷ USD sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch
(Dân trí) - Sau hơn thập kỷ triển khai và nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu đô thị Ciputra (Hà Nội) vẫn còn không ít lô đất trống, dự án bỏ hoang.
Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước đến năm 2007, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 300 ha và được chia làm 3 giai đoạn. (Trong ảnh là Khu đô thị Ciputra nhìn từ đường Vành đai 3).
Theo quy hoạch, khu đô thị mới Nam Thăng Long là một tổ hợp nhiều dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều công trình dự kiến được xây dựng trên địa phận các phường Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và các phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ). Hiện nay, khu đô thị Nam Thăng Long được triển khai xong giai đoạn 1, còn một phần lớn diện tích giai đoạn hai và ba chưa được triển khai. Không ít hạng mục dang dở, chậm tiến độ hàng chục năm đang làm xấu đi hình ảnh về một khu đô thị kiểu mẫu.
Tiếp giáp với khu dân cư phường Phú Thượng là tuyến đường nối 3 Vành đai (Vành đai 2, 2,5 và 3) cũng bị tắc nhiều năm vì vướng giải phóng mặt bằng.
Mặc dù có nhiều dự án dang dở nhưng những dự án mới cũng đang được tiếp tục xây dựng tại khu đô thị mới này.
Ở khu vực tiếp giáp cầu Nhật Tân, khu đô thị này cũng để trống rất nhiều diện tích đất.
Dọc đường Võ Chí Công hiện chỉ mới có một số tòa nhà mặt đường. Khu vực bên trong khu đô thị vẫn là vườn rau.
Tại khu đô thị này, khu vực tiếp giáp đường Nguyễn Hoàng Tôn có mật độ xây dựng phủ kín.
Khu đô thị hiện cũng có khá nhiều biệt thự không người ở.
Ciputra hiện cũng còn những nghĩa trang chưa di dời, mới chỉ quây rào xung quanh.
Trên tuyến đường nối 3 Vành đai hiện có một số cao ốc đang được xây dựng.
Đáng chú ý, dọc tuyến đường này có nhiều dự án xây dựng tầng hầm rồi bỏ hoang.
Hình ảnh các lô đất dự án quây tôn bỏ hoang, hoặc xây dựng tầng hầm xong để ngập nước.
Theo quy hoạch, Ciputra có nhiều diện tích cây xanh, mặt nước nhưng phần lớn chưa thành hiện thực.
Một khu vực biệt thự hoàn thiện nhất tại Ciputra có cư dân sinh sống từ nhiều năm trước.
Theo quy hoạch, Vành đai 2,5 đi qua khu đô thị này. Tuy nhiên, tuyến vành đai này vẫn đang dang dở.
Khu đô thị Ciputra được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị Việt Nam (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia).
Trong quá trình triển khai, dự án này đã nhiều lần được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra) giai đoạn II, tỷ lệ 1/500 tại 13 ô đất ký hiệu 3-P, I.B.26-NO, I.B.27-CX, I.B.28-CX, I.C.36-NO, I.C.37-TH, I.C.38-THCS, I.C.39-HC, I.C.40-MG, 4-THPT và các ô đất ký hiệu I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX thuộc quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.
Trước đó, trong năm 2016, 2 ô đất đã được điều chỉnh gồm: ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người. Lần điều chỉnh quy hoạch trong năm 2017 ô đất I.A.23 được điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước đó.
Theo Văn bản số 5142/UBND-ĐT ngày 22/10/2018, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh các lô đất ký hiệu: 3-P, I.B.26-NO, I.B.28-CX, I.C.36-TH, I.C.37-TH, I.C.38-THCS, I.C.39-HC, I.C.40-MG, 4-THPT và cho phép nghiên cứu song song việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2 tỷ lệ 1/500 nhằm hợp thức hóa những việc điều chỉnh lâu nay và những dự kiến trong việc điều chỉnh của chủ đầu tư.
Khoảng tháng 6/2019, hàng trăm hộ dân sống tại đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, không đồng tình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư. Liên quan tới vấn đề người dân bức xúc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh của báo chí về tình trạng phá vỡ quy hoạch tại những khu đô thị như Ciputra hay Ngoại giao đoàn.