Tòa tháp đôi Bosco Verticale (Rừng thẳng đứng) ở Milan (Italy) do công ty kiến trúc Stefano Boeri Architetti thiết kế đã giành được giải thưởng Tòa nhà cao tầng đẹp nhất thế giới khi vừa hoàn thiện.
Công trình bao gồm hai tòa tháp cao 80m và 112m, trên các tầng đều trồng cây với tổng số lên tới 800 cây lớn và 14.000 cây nhỏ bao gồm khoảng 1.000 chủng loại khác nhau.
Ở đây có 113 căn hộ với khoảng vườn riêng rộng rãi ở các ban công. Ngoài ra tòa nhà này còn có các khu văn phòng, thương mại. “Khu nhà thể hiện sự mong muốn của con người được giao hòa với thiên nhiên. Đây là ý tưởng sáng tạo dành cho tương lai, không nghi ngờ gì nữa, tòa nhà “xanh” này chính là giải pháp cho các đô thị đông dân ở châu Âu”, chuyên gia Christoph Ingenhoven khẳng định. Những "tòa nhà cao tầng có nhiều cây" là một ví dụ nổi bật của một sự cộng sinh giữa kiến trúc và thiên nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Milan là một nơi khí hậu ôn hòa vì vậy rất nhiều chủng loại cây đa dạng có thể sinh trưởng dù điều kiện đất ở chung cư không tốt. Do được trồng phủ kín bề mặt tòa nhà nên những người thợ thường phải đu mình trên hệ thống cáp treo để tỉa và chăm sóc cây.
Để tòa nhà luôn phủ màu xanh, các chuyên gia lâm nghiệp đã chọn những giống cây khỏe mạnh và người chăm sóc định kỳ để đảm bảo chúng phát triển tốt nhất. Ngoài khu vực ban công nhiều cây, các căn hộ cũng có những bức tường kính lớn để tận dụng gió và ánh sáng cho ngôi nhà. Từ phòng ngủ của bất kỳ căn hộ nào, chủ nhà cũng có thể nhìn thấy màu xanh của cây cối.
Rừng thẳng đứng là một khái niệm kiến trúc mới, thay thế các vật liệu truyền thống trên các bề mặt đô thị. Điều này giúp bảo vệ môi trường đô thị, và cải thiện chất lượng cuộc sống con người xung quanh nó.
Ngay khi hoàn thành, công trình này đã được rất nhiều chuyên gia khen ngợi, đồng thời được mệnh danh là chung cư “xanh" nhất trên thế giới. Cây cối phủ kín bề mặt tòa nhà khiến con người có cảm giác hòa mình với thiên nhiên, quên đi cảm giác ngột ngạt, bức bí trong các đô thị hiện đại
Thương Minh
Theo Arch Daily