Tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ

Thảo Thu

(Dân trí) - Tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/9 đạt 10,83% - mức cao nhất nhiều năm. Vốn chảy vào bất động sản 8 tháng tăng gần 15,7%, còn vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm hơn 35%.

Số liệu này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan tới vấn đề chất vấn.

Tính đến cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước đánh giá con số này phù hợp với diễn biến phục hồi kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; thương mại dịch vụ tăng 11,34%...

Đặc biệt, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 8 tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, tương ứng tăng thêm 3,7% so với 3 tháng trước đó. Vốn tín dụng vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng, tăng hơn 20,1% còn kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ - 1

Tín dụng đổ vào bất động sản tăng từ đầu năm (Ảnh: Hữu Nghị).

Vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm hơn 35%, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.

Tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông đến cuối tháng 6 giảm 1,72% so với cuối 2021.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... cũng như thực hiện các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ - 2

Tín dụng cho vay chứng khoán giảm mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa việc thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành, định kỳ hàng năm.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khi cấp vốn cho bất động sản phải tăng kiểm soát chất lượng tín dụng, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay... nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo dòng vốn chảy đúng đích.

"Các ngân hàng cũng cần hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản quy mô lớn, thay vào đó là đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hiệu quả cao, các dự án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt...", Thống đốc Ngân hàng nêu trong báo cáo.