Tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng, 5-7 năm sẽ mua được nhà 30m2

(Dân trí) - “Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30m2 đến 45m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5 đến 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2".

Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vừa được tổ chức tại TPHCM vào ngày 24/9.

Tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng, 5-7 năm sẽ mua được nhà 30m2 - 1
Hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vừa được báo Tiền Phong tổ chức tại TPHCM vào ngày 24/9.

Gặp khó do "đói" vốn

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 400 Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) với 3 triệu lao động làm việc, phần lớn công nhân lao động trong các KCX, KCN là người ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, nhà ở cho công nhân lao động tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn công nhân lao động đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng cho hay, để đảm bảo đời sống cho công nhân lao động an tâm làm việc, các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 100 dự án nhà ở dành cho công nhân, quy mô khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích trên 2 triệu m2, bố trí cho 330.000 người (tuy nhiên chỉ đáp ứng 28%).

Theo ông Ninh, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân ngoại tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các dự án xây dựng nhà ở xã hội có gói vay vốn mua nhà 30.000 tỉ đồng kết thúc, ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn mới để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.

Đó là chưa kể, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, khi quy hoạch KCN – KCX chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xa hội. Mặt khác, còn do đa số doanh nghiệp bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục hành chính kéo dài, lợi nhuận không cao.

“Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, mặc dù Luật Nhà ở cho phép chi phí mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập của doanh nghiệp”, ông Ninh nói.

Ông Ninh cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên trên thực tế nguồn vốn được bố trí rất hạn chế chỉ vài chục phần trăm so với kế hoạch.

Tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng, 5-7 năm sẽ mua được nhà 30m2 - 2
Ông Phan Văn Anh cho rằng, nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5 đến 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2.

Nên tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng để mua nhà

Liên quan tới vấn đề nguồn vốn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn hợp pháp khác sẽ đầu tư từ 300 tỷ đến 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án thiết chế công đoàn tại địa phương. 

Theo đó, để tạo nguồn vốn triển khai thành công mục tiêu nêu trên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các nghị quyết về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, cũng như về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn nhằm tạo nguồn kinh phí cho đầu tư các thiết chế của Công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các KCN - KCX.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các KCN - KCX khái toán 10.307.793 triệu đồng, trong đó nguồn vốn của tổ chức Công đoàn là 3.570.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 30%); nguồn vốn khác (vốn vay, vốn huy động khách hàng) là 6.737.793 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 70%), số vốn của tổ chức công đoàn là nguồn kinh phí từ việc điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn.

Ông Anh cho rằng, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn là chủ trương lớn, kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích về nhà ở và giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân lao động, siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân lao động làm việc tại KCN - KCX. Cho nên, song song với việc thực hiện dự án của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì người lao động cũng nên tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng (trong vòng 5-7 năm) nhằm có thể mua được nhà có diện tích 30m2.

“Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 m2 đến 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5 đến 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế”, ông Anh nói.

Quế Sơn