Tiềm năng phát triển bất động sản, dịch vụ du lịch của cao nguyên Mộc Châu
(Dân trí) - Tận dụng những ưu thế thiên nhiên ban tặng, Mộc Châu đang có những bước chuyển mình trong việc tối ưu hóa, chuyên nghiệp hóa du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mở ra tiềm năng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Khai thác du lịch bốn mùa
Mộc Châu - cao nguyên huyền bí nằm ẩn mình giữa lòng Tây Bắc. Có độ cao hơn 1.000m2 so với mặt nước biển, cảnh sắc nơi đây là sự kết hợp giữa núi non, thác nước, đồng cỏ xanh bát ngát và khí hậu ôn hòa dễ chịu quanh năm.
Được ví như "Đà Lạt" thứ hai, cao nguyên Mộc Châu mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm, bởi bốn mùa nơi đây đều mang lại cho du khách những trải nghiệm riêng biệt, không chỉ về hương sắc hoa trái, sản vật theo mùa mà còn là trải nghiệm nét đẹp trong văn hóa 12 dân tộc cùng sinh sống.
Năm 2022, Cao nguyên Mộc Châu được tổ chức World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới" và tiếp tục nhận đề cử trở thành điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á vào 2023. Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là dấu mốc quan trọng, tạo động lực để huyện tiếp tục quảng bá, khai thác, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa, đưa du lịch ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Tiềm năng quy hoạch
Ngoài những lợi thế vốn có về vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cũng là lý do giúp du lịch Mộc Châu có những bước nhảy vọt trong những năm trở lại đây, hiện thực hóa trở thành đô thị trọng điểm về du lịch quốc gia, mở ra cơ hội đầu tư "đi trước đón đầu" với nhiều tiềm năng tăng trưởng đột phá.
Cụ thể, mục tiêu năm 2025, Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã, đồng thời thông xe dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến đường kỳ vọng giải quyết nhu cầu vận tải, kết nối trung tâm kinh tế - chính trị các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho Quốc lộ 6 đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Mộc Châu chỉ còn 2 giờ chạy xe.
Song song với đường bộ, tỉnh Sơn La cũng lên kế hoạch phát triển hệ thống giao thông đường hàng không thông qua đề xuất nâng cấp sân bay Nà Sản và quy hoạch sân bay Mộc Châu với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Bên cạnh đó, sự nhập cuộc của những chủ đầu tư lớn trong 5 năm trở lại đây đã lên đến 49 dự án, với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Trong đó 24 dự án đến nay đã hoàn thành, đi vào hoạt động, số còn lại đang trong quá trình triển khai, kích hoạt mạnh mẽ thị trường bất động sản khu vực. Cùng với giao thương đông đúc, du lịch nghỉ dưỡng sầm uất, hứa hẹn sẽ đưa Mộc Châu trở thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư đối với bất động sản nói chung và bất động sản dịch vụ du lịch nói riêng.
Bài toán phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ phụ trợ để thu hút du khách
Trước lượng du khách đến Mộc Châu ngày càng nhiều (ước tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2023 lượng khách tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), thì số lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ phụ trợ tại Mộc Châu đang rơi vào cảnh cung không đủ cầu.
Theo khảo sát năm 2022, cao nguyên Mộc Châu có 271 cơ sở lưu trú. Nhưng trong đó chỉ có 1 resort 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao và 5 khách sạn 1 sao, còn lại sẽ là các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, tự phát và chưa có quy hoạch bài bản.
Đối mặt với lượng khách đổ về không ngừng tăng, Mộc Châu đang rất cần thêm nhiều những cơ sở lưu trú, dịch vụ phụ trợ du lịch nhằm phục vụ du khách, giải quyết "cơn khát" tìm kiếm cơ sở lưu trú chất lượng của du khách thập phương mỗi khi đến với cao nguyên Mộc Châu.
Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, cao nguyên Mộc Châu còn sở hữu những tham số tiềm năng như: khai thác du lịch quanh năm cao điểm, hàng loạt các quy hoạch đồng bộ, giá trị bất động sản sơ khai, tiềm năng khai thác dịch vụ phụ trợ du lịch đa dạng… mở ra nhiều cơ hội vượt trội thu hút dòng tiền đầu tư, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững.