Thứ trưởng Bộ xây dựng cảnh báo loạt rủi ro nổi lên trên thị trường địa ốc
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, thời gian qua có nhiều giao dịch nổi lên những vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân, đặc biệt là việc mua bán đất rừng, nông nghiệp.
Khuyến cáo người dân bình tĩnh trước tin đồn thổi
Tại Diễn đàn bất động sản 2021 vừa diễn ra do VCCI tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết năm 2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá đất nền tăng nóng, cục bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Sinh cũng nhấn mạnh, thời gian qua cũng thấy có nhiều giao dịch nổi lên những vấn đề làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân, đặc biệt là những giao dịch bất động sản không đủ điều kiện pháp lý, nhiều dự án chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giao dịch. Nhiều giao dịch ở đất rừng, nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là những giao dịch không đảm bảo pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.
"Do đó, trong thời gian tới chúng tôi đề nghị doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm túc thực hiện trình tự thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục giao đất, thủ tục về đầu tư, về xây dựng, để các dự án đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ đầy đủ quy định", ông Sinh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với sự chỉ đạo của kịp thời của Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các tỉnh thành, thời gian tới các dự án bất động sản sẽ được đầu tư đồng bộ và tạo ra nguồn cung lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường cả ở khu vực đô thị, vùng ven, góp phần tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh, tránh tình trạng bong bóng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin được đồn thổi. "Người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng, đúng quy định", ông Sinh cho biết.
Thị trường còn tiếp tục khó khăn
Cũng tại diễn đàn, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua thời gian khó khăn. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là mạnh nhất tác động tới thị trường và dự báo sẽ có nhiều khó khăn.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Chiến cho biết, sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen và có thể sẽ sang cả năm 2022. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã chỉ ra một số thách thức trên thị trường bất động sản thời gian tới. Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật thiếu hoặc chưa đồng bộ. Sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của các cơ quan với nhau. Những sản phẩm bất động sản đã hình thành trong thực tế nhưng văn bản pháp luật lại chưa hình thành.
"Thứ hai, thủ tục hành chính. Trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã đơn giản rất nhiều nhưng trong kiến nghị của các doanh nghiệp gửi lên thì vẫn còn rất nhiều khó khăn ở vấn đề này như ở các thủ tục đầu tư", ông Chiến nói.
Thứ ba theo ông Chiến, khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, vẫn còn rất nhiều dự án ma, tình trạng sốt đất diễn ra và điều này là do hệ thống thông tin đến không đầy đủ, nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ.
Dự báo 6 tháng cuối năm nay, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ vừa có cơ hội và thách thức đan xen. Một số phân khúc bất động sản vẫn duy trì và nếu kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ phát triển nhanh như phân khúc nhà ở. Về phân khúc nhà ở cao cấp sẽ không có gì lớn, đa phần sản phẩm tung ra thị trường là có sẵn và trong điều kiện hiện nay mở mới là không có.
Trong khi đó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Tính pháp lý của thị trường này vẫn chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới nếu như giải quyết được các điểm nghẽn này thì sẽ trở thành một trong những thị trường phát triển.