Thu ngân sách vượt dự toán nhờ nhà, đất và dầu thô: Bộ trưởng Tài chính nói gì?

(Dân trí) - Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy, số thu vượt dự toán năm nay chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô trong khi 3 khu vực quan trọng khác lại thấp.

tien-ohxb-1483321383788.jpg

Số thu ngân sách Nhà nước từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt dự toán.

Trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu năm 2019, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 được giao, ngay từ đầu năm ngành tài chính đã chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế.

Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý thu nợ thuế..., nhờ đó thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đã hoàn thành nhiệm vụ kép, đó là thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 7,8% và thu ngân sách Trung ương vượt 4,2% dự toán.

Theo Bộ trưởng, kết quả này cũng cho thấy cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa năm 2018 chiếm 81% tổng thu ngân sách Nhà nước, cao hơn mức 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015; thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu.

"Số thu ngân sách Nhà nước từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017", Bộ trưởng cho biết.

Cụ thể: khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 4%; khu vực FDI tăng 8,8%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%. Như vậy, thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, số thu ngân sách Nhà nước từ 3 khu vực kinh tế đã không đạt so với dự toán đề ra.

"Ở đây có thể thấy, ngoài nguyên nhân dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức phấn đấu cao để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản lý thu, chống thất thu... thì một trong những nguyên nhân chính còn do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng nhìn chung còn khó khăn, thiên tai; quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm đã tạo áp lực lên thu ngân sách...", ông nói.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, nếu tính chung, tổng thu ngân sách Nhà nước từ cả 3 khu vực kinh tế và dầu thô, nhà, đất đã hoàn thành dự toán Quốc hội giao.

"Như vậy, dự toán của 3 khu vực kinh tế thực tế cao hơn so với kết quả đã đạt được - mặc dù số thu đã tăng xấp xỉ 10% so với năm 2017; số không đạt của 3 khu vực này đã được bù do số tăng thu từ dầu thô, nhà, đất vượt dự toán được giao. Do đó, tổng cân đối thu ngân sách Nhà nước đã hoàn thành và vượt dự toán được Quốc hội giao", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách và phấn đấu thực hiện mục tiêu thu nội địa của giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng từ 84 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Đánh giá về nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2019, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, cùng với kinh tế tăng trưởng cao hơn kế hoạch, kết hợp với các giải pháp đã thực hiện, thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán, tỷ lệ động viên đạt khoảng 25,7%GDP, riêng thuế và phí trên 21,1%GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21%GDP); tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt 80,6% (năm 2015 là 75%).

Cùng với đó, cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 25-26%), tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn dưới 62% tổng chi NSNN. Bội chi NSNN năm 2018 dưới 3,6%GDP (dự toán là 3,7%GDP); nợ công khoảng 61%GDP. Quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay tiếp tục được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.

Phương Dung

bannerchan-bai-1520499512777326906926-15389023313932091006234.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm