Thời điểm hợp lý đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Hội An
(Dân trí) - Chia sẻ tại tọa đàm bất động sản nghỉ dưỡng "Hội An - Chu kỳ tăng trưởng mới" trên Báo Dân Trí, các chuyên gia đánh giá từ nay đến cuối năm là thời điểm hợp lý để đầu tư vào thị trường này.
Tọa đàm bất động sản "Hội An - chu kỳ tăng trưởng mới" nằm trong chuỗi "Du lịch biển hồi sinh - Bất động sản nghỉ dưỡng đón sóng" do Dân trí tổ chức diễn ra tối 3/11.
Chương trình với sự góp mặt của các khách mời là ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam và bà Trịnh Thu Trang - Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung.
Mặt bằng giá đã điều chỉnh về mức hợp lý
Phát triển khá muộn so với các khu vực như Đà Nẵng, Nha Trang... bất động sản nghỉ dưỡng biển Hội An - Quảng Nam đang dần tăng tốc trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, Quảng Nam đang đầu tư rất lớn cho hệ thống phát triển kinh tế cũng như du lịch và thu hút được nhiều "chim đầu đàn", những "con cá mập" đến với khu vực này. Các dự án được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là dự án hạ tầng nhằm giúp địa phương phát triển du lịch.
"Đây cũng là dòng sản phẩm thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư trong nước, bởi Việt Nam chúng ta đang phấn đấu trở thành một cường quốc về du lịch", ông Đính chia sẻ.
5 năm trở lại đây, Quảng Nam - Đà Nẵng đã trở thành một thị trường lớn, nằm trong top 10 khu vực thu hút đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn này, Quảng Nam và Đà Nẵng luôn chiếm khoảng 20% lượng giao dịch của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là tại những dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, hoạt động phát triển bất động sản vẫn diễn ra sôi động trên cả nước, trong đó có Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Nhiều dự án thậm chí tổ chức giới thiệu, mở bán trong giai đoạn này và thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư.
Sự sôi động của hoạt động giao dịch từng đẩy mặt bằng giá khu vực leo thang, có giai đoạn rơi vào sốt giá. Tuy nhiên hiện tại, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, mức giá đã được thị trường điều chỉnh về ngưỡng hợp lý, dao động ở mức 15-20 triệu đồng/m2 trên địa bàn toàn tỉnh, và đạt 20-30 triệu đồng/m2 với đất bên trong dự án tại Hội An. Một số dự án có vị trí đẹp và chất lượng tốt, mức giá có thể cao hơn nhưng nhìn chung, vẫn khá cạnh tranh so với mức trung bình 30-50 triệu đồng/m2 của các dự án ven biển Đà Nẵng, Nha Trang hay Quảng Ninh.
"Đây là mức giá hợp lý với thực trạng đầu tư tại Hội An hiện nay cũng như lợi thế của vùng này. Khả năng tăng giá bất động sản khu vực này, theo quan điểm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam là khá cao", ông Đính đánh giá.
Bổ sung ý này, bà Trịnh Thu Trang - Giám đốc kinh doanh Đất Xanh Miền Trung cho biết, giá bán bất động sản hiện tại của Quảng Nam đã giảm 30-40% sau các đợt thanh tra của Chính phủ trong năm 2019. Hiện nay, mặt bằng giá khu vực đã được kiểm soát ở ngưỡng hợp lý và chiều hướng tăng trưởng ổn định 5-10% trong năm 2020. Ngay trong 9 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản ở đây vẫn giữ đà đi lên, đặc biệt là ở những khu vực có lợi thế ven biển hoặc dọc 2 bên bờ sông Cổ Cò sau khi có thông tin phê duyệt dự án nạo vét khơi thông dòng sông này.
Nguyên nhân, đại diện doanh nghiệp cho biết, là nhà đầu tư hiện nay bắt đầu đổ tiền đầu tư vào bất động sản, khi dịch bệnh khiến họ không thể tham gia sản xuất kinh doanh hay một số kênh đầu tư khác. Hơn nữa, nhu cầu về bất động ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội, chứ không thể dừng lại.
Một yếu tố khác, theo bà Trang là sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế, do lợi thế giá cả cạnh tranh. Nếu như giá bất động sản ở Hồng Kông (Trung Quốc) bình quân là 25.000 - 27.000 USD/m2, Singapore là 17.000 - 18.000 USD/m2, thì 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM chỉ đạt 2.000 - 2.500 USD/m2.
"Việt Nam không thua kém nước bạn về cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, thậm chí còn có nhiều cảnh quan hơn mà bất động sản đang ở mức giá rất thấp. Tôi nghĩ các nhà đầu tư có nghiên cứu sẽ nhận thấy, từ nay đến cuối năm là giai đoạn rất tốt để mua vào bất động sản, bởi vì mọi thứ đều đang ở mức rất hợp lý", bà Trang nhấn mạnh.
Nhiều điểm sáng tiềm năng
Trong chương trình phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Nam đề ra mục tiêu đón khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có 50% là khách quốc tế vào năm 2025 và khoảng 18 triệu lượt khách với 55% là khách quốc tế vào năm 2030.
Để đạt được điều này, ngành du lịch xứ Quảng phải đáp ứng khoảng 1.000 cơ sở lưu trú du lịch với 22.000 phòng vào năm 2020 và 1.200 cơ sở lưu trú với 29.000 phòng vào năm 2021.
Địa bàn phát triển du lịch của tỉnh cũng sẽ được mở rộng. Bên cạnh ưu tiên phát triển khu vực phía Đông với các điểm đến tập trung ở Hội An - Điện Bàn, thị trường du lịch xứ Quảng sẽ mở rộng dần về hướng Nam. 3 cửa ngõ quan trọng có thể đón du khách quốc tế là sân bay Chu Lai, cảng biển quốc tế Chu Lai và nhà ga Tam Kỳ được kỳ vọng sẽ giúp Quảng Nam phá vỡ thế "độc đạo", khi nguồn khách đến với tỉnh này trước nay chủ yếu qua Đà Nẵng.
Điều này tạo cơ hội phát triển vệt bất động sản nghỉ dưỡng trải dài từ Chu Lai, Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên đến Hội An, Điện Bàn để phát triển du lịch biển; kết hợp với khu vực phía Tây là các điểm du lịch đặc sắc để hình thành một số khu điểm.
"Khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng (resort) sẽ trải nghiệm các làng ven biển, điểm du lịch ở phía Tây rồi quay về ngủ ở khu vực biển. Sắp tới đây, sở sẽ tham mưu cho UBND và HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết hỗ trợ về phát triển du lịch cộng đồng. Trước đây cũng đã có một nghị quyết về phát triển du lịch miền núi, hình thành điểm du lịch vệ tinh ở phía Tây để kết nối với những khu du lịch ven biển", ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ.
Trong đó, khu vực Hội An sẽ được ưu tiên đầu tư để thu hút du lịch chi tiêu cao, đặc biệt là khách quốc tế. Khu vực ngoài Hội An sẽ phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn... phân khúc trung cấp và một số vị trí quan trọng vẫn ưu tiên du lịch cao cấp.