Thị trường đất nền TP.HCM đối mặt khủng hoảng niềm tin

Không chỉ khủng hoảng nguồn cung, khủng hoảng pháp lý, thị trường đất nền TP.HCM còn đối mặt với khủng hoảng niềm tin của người mua trước hàng loạt thông tin lừa đảo, rao bán trái phép.

Thị trường đất nền TP.HCM đối mặt khủng hoảng niềm tin - 1

Khủng hoảng pháp lý đất nền tại TP.HCM đang là vấn đề gây tác động tiêu cực đến niềm tin người mua. Ảnh minh họa: Phương Uyên

Chị Mai Thanh, một nhà đầu tư nhỏ lẻ quê ở Tiền Giang cho biết từng khóc hết nước mắt khi toàn bộ vốn liếng để dành mất trắng vì bị lừa mua đất nền tại một dự án ma thuộc quận Bình Tân. Dự án này vốn là đất quy hoạch cây xanh cấm phân lô, bán nền nhưng một chủ đầu tư vẫn rao bán và cam kết ra sổ.

Khủng hoảng niềm tin

“Tôi bị lừa mà không hay biết. Chỉ đến khi đọc báo thấy thông tin nhiều người khác kêu cứu mới tá hỏa mình cũng là nạn nhân. Giờ tôi không dám đầu tư vào đất nền nữa, nhất là đất nền giá rẻ”, chị Thanh nói. 

Theo chị Thanh dù báo chí khuyến cáo, mách nước các biện pháp kiểm chứng nhưng thực tế người mua nhỏ lẻ khó có thể đi chứng thực như cảnh báo. “Mua đất trước giờ vẫn luôn là kiểu tin nhau thì mua, không tin thì thôi, mấy ai thật sự lôi hồ sơ lên chính quyền kiểm chứng, mà nhìn vào mấy cái bản đồ quy hoạch gì đó cũng mấy ai hiểu”, chị Thanh chia sẻ.

Tương tự, chị Hồng Trâm, một nhà đầu tư đất nền tại TP.HCM cũng rất lo lắng khi tìm kiếm đất nền. “Chưa bao giờ đi mua đất nền mà khó như hiện nay, không tính đến chuyện giá tăng cao, nguồn hàng ít mà sợ nhất là mua trúng dự án ma, đất mập mờ pháp lý”, chị Trâm nói.

Hiện tại nhà đầu tư này đang có khoản tiền nhàn rỗi muốn đầu tư đất nền cũng khó vì không tìm được dự án đủ an tâm. Ở cái thời đến sổ đỏ, sơ đồ quy hoạch cũng có thể làm giả như hiện nay thì dù đầu tư đất nền lời cao nhưng không ai dám đánh liều như xưa.

Theo khảo sát của phóng viên, thời gian qua thị trường bất động sản TP.HCM xuất hiện nhiều thông tin về rao bán dự án lừa đảo, không có tính pháp lý, phân lô bán nền trái phép, thậm chí không tồn tại trong quy hoạch. Không còn đơn giản chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó”, dương đông kích tây, các chiêu lừa đảo mua đất ngày càng tinh vi như làm giả sơ đồ quy hoạch, làm giả sổ đỏ, chi tiết 1/500 để trấn an người mua xuống tiền.

Hàng loạt các quận ngoại thành như quận 12, Bình Tân, Nhà Bè, quận 9, Thủ Đức xuất hiện các đối tượng giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền dự án ma trên các trang mạng xã hội, tờ rơi...

Thị trường đất nền các tỉnh lân cận như Long An, Vũng Tàu, Phan Thiết cũng đang đóng băng, giảm sức hút vì vấn nạn tự phân lô trái phép, bán đất quy hoạch, đất cầm cố, hô biến đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản thành đất nền thổ cư rồi phân lô chào bán công khai… 

Thị trường lao đao

Phân tích về thị trường đất nền, bà Dương Thùy Dung, GĐ cao cấp CBRE cho biết, thị trường đất nền hiện nay đang rất lao đao, ảm đạm do nguồn cung khan hiếm và khủng hoảng về pháp lý diễn ra trên diện rộng.

Việc đi săn đất nền pháp lý hoàn thiện, vị trí đẹp tại TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… ngày càng khó khăn khi mà hầu hết các chủ đầu tư không triển khai được dự án mới, các sàn môi giới chỉ còn nguồn hàng thứ cấp bán lại với số lượng có hạn. Bên cạnh đó, nhiều dự án đất nền trong diện thanh tra đất đai nên các vấn đề liên quan như cấp phép đều bị chững lại. 

Những yếu tố trên khiến thị trường đất nền lao đao sau thời gian phát triển nóng. Hơn nữa, nguồn cung thiếu hụt còn là cơ hội để nhiều cá nhân lợi dụng tâm lý ưa thích đất nền của người dân, tung ra các dự án ma nhằm trục lợi trên sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của khách hàng.

Theo các chuyên gia, lực lượng chính tham gia thị trường đất nền là nhà đầu tư, mua để đầu cơ, lướt sóng do đất nền có tỷ lệ chênh cao nhất nhì thị trường. Trong bối cảnh giá đất tăng cao, các dự án quảng bá giá mềm rất dễ đánh vào lòng tin của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thực chất đầu tư đất nền cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do phân khúc này không trực tiếp tạo ra sản phẩm hình thành lợi nhuận mà chủ yếu là đầu cơ sang tay, chỉ cần có sự chững lại của thị trường, hay trục trặc về pháp lý thì nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt. Hơn nữa, vì nguồn cầu đất nền chủ yếu là để đầu cơ, nên khi thị trường khó khăn, người đầu cơ không thể bán ra với mức giá kỳ vọng như mong muốn, dẫn đến nhiều khu đất có giá thấp hơn rất nhiều khi mua vào. 

Trước diễn biến trên, dự báo các tháng cuối năm thị trường đất nền TP. HCM sẽ ít có chuyển biến lớn, khó có biến động lớn về giá và giao dịch. 

Về phía cơ quan quản lý, mới đây Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 về một số giải pháp cải thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản. Một trong những nội dung của chỉ thị này là tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao và cho thuê đất, cấp sổ đỏ…

"Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các tỉnh nói rõ tình hình nhiều dự án thực hiện trái quy định, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, chuyển nhượng khi không đủ điều kiện. Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai thông tin để người dân được biết” - ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.

Theo Phương Uyên

Diễn đàn Doanh nghiệp