Thêm quy định mới về điều kiện đất được tách thửa ở Hà Nội

Trần Kháng

(Dân trí) - Một trong những điều kiện, tiêu chí để tách thửa mới là khu đất có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có hoặc tuyến đường theo quy hoạch.

Đất được tách thửa phải giáp đường 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017 về một số nội dung thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 4/6 tới. 

Theo đó, điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực. Có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10 m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20 m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).  

Cùng với đó, phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200 m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400 m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án.

Thêm quy định mới về điều kiện đất được tách thửa ở Hà Nội - 1

Hà Nội thêm nhiều tiêu chí về đất được tách thửa (Ảnh: Trần Kháng).

Trước đó, hồi tháng 3, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Chi tiết tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 gồm thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Kiểm tra, rà soát, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất; đồng thời căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện cụ thể tại địa phương để đề xuất, kiến nghị cụ thể về điều kiện thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương... 

Phân lô bán nền "núp bóng" tách thửa

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, nhiều huyện ven trung tâm của TP Hà Nội như Thạch Thất, thị xã Sơn Tây… cho phép chuyển đổi những khu đất trồng cây lâu năm hàng nghìn m2 sang đất ở. Đáng nói, ngay sau khi chuyển đổi thành công, các khu đất này lại được tách thành những thửa đất diện tích 60 m2 đến 100 m2 và được rao bán tràn lan.

Cá biệt, tại thị xã Sơn Tây, ngày 15/12/2021, ông Nguyễn Viết Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - đã ký 2 quyết định cho phép ông Đoàn Anh Tuấn và bà Lê Thị Huệ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở tại xã Cổ Đông. Diện tích chuyển đổi cho 2 cá nhân trên lên đến gần 5.000 m2. 

Thêm quy định mới về điều kiện đất được tách thửa ở Hà Nội - 2

Tình trạng phân lô bán nền xảy ra ở nhiều khu đất được tách thửa số lượng lớn (Ảnh: Trần Kháng).

Cụ thể, thửa đất số 34 tờ bản đồ số 110 thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây trước khi chưa chuyển đổi có diện tích 4.262 m2. Trong đó, 120 m2 là đất ở và 4.142 m2 là đất trồng cây lâu năm. Sau khi xin chuyển đổi, thửa đất này có diện tích 4.262 m2 là đất ở, thời gian sử dụng đất lâu dài.

Hay thửa đất 108 tờ bản đồ số 07 trước khi chưa chuyển đổi có diện tích 1.696 m2. Trong đó, 295 m2 là đất ở và 1.401 m2 đất trồng cây lâu năm tại thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Sau khi xin chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất 108 tờ bản đồ 07 có diện tích 1.696 m2 đất ở thời gian sử dụng lâu dài.

Sau khi chuyển đổi, cả 2 khu đất này đã được môi giới rao bán với tên "Quần thể dự án 12 lô Cổ Đông". Giá các lô đất nền có diện tích khoảng từ 60 m2 đến 100 m2 này thường chênh từ 7 triệu đồng/m2 đến hơn 10 triệu đồng/m2 so với đất nền của người dân khu vực.

Không chỉ ở thị xã Sơn Tây, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền ở tại một số huyện ngoại thành của TP Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh… cũng diễn ra khá rầm rộ trong những năm gần đây. 

Cá biệt như tại huyện Thạch Thất, 108 lô Bãi Dài Tiến Xuân (thuộc xã Tiến Xuân) đã được chia lô và được chủ đầu tư bán hết. Theo các môi giới, những lô đất này đã được bán hết từ đầu năm 2021 nhưng hiện tại vẫn chưa có hoạt động xây dựng nhà ở nào trên tất cả lô đất.

Tương tự, tại đường lớn đến ngõ nhỏ tại xã Bình Yên và Tân Xã, huyện Thạch Thất không khó bắt gặp các khu đất đã phân lô. Các lô đất thường có diện tích 60 m2 đến 100 m2 nhưng có giá bán dao động 1,2 tỷ đồng đến 1,7 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm