Sụp đổ thị trường bất động sản - “cơn ác mộng” tồi tệ nhất ở Bắc Kinh
(Dân trí) - Rủi ro kinh tế lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020 không phải đến từ cuộc chiến thương mại mà là “bong bóng” bất động sản, điều vốn gần như có thể “nổ tung” bất kỳ thời điểm nào. Thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp mềm có thể chấm dứt giấc mơ kinh tế của Trung Quốc.
Hồi tháng 10, Qiushi - tạp chí hàng đầu về lý thuyết chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã xuất bản đầy đủ bài phát biểu năm 2018 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nhấn mạnh những thách thức khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bước vào năm thứ 71.
Thật vậy, vào năm 2020, rủi ro kinh tế chính của Trung Quốc rất có thể không đến từ cuộc chiến thương mại, mà là từ thị trường bất động sản bị thổi phồng. Theo tạp chí này, thứ duy nhất có thể đánh bại Trung Quốc ở thời điểm này là từ bên trong, chứ không phải bất cứ lực lượng nào bên ngoài.
Những từ như “thiên nga đen” hay “tê giác xám” là những từ được nhắc đến nhiều nhất ở giới tài chính của Trung Quốc trong năm nay. Một vài người biết chúng là gì, nhưng hầu hết chưa hiểu ý nghĩa của chúng. Chúng có nghĩa là “sợ hãi”.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang là “tê giác xám”, tràn ngập các loại thanh khoản lớn. Một “mũi tiêm” kích thích lớn đã được đưa ra để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một đợt “tiêm” khác là từ sáu lần giảm lãi suất liên tiếp trong 12 tháng - tính đến tháng 11 năm 2015.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cuối cùng cũng đã cất cánh, nhưng vào cuối năm 2015, bong bóng đã vỡ và chỉ số Shanghai Composite Index giảm khoảng 50% từ đỉnh cao 2015 của nó. Bất động sản, chiếm một phần.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin hàng năm hồi đầu tháng này, nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ông Liu Shijin nói rằng: Mục tiêu tăng trưởng 6% tổng sản phẩm quốc nội vẫn trong phạm vi đạt được năm nay, nhưng trong năm tới, “mọi thứ đáng lo ngại hơn và sẽ cần đến các biện pháp quyết liệt” - ông Liu Shijin cho biết.
Các chuyên gia đã đưa ra những so sánh giữa thị trường bất động sản quá nóng của Trung Quốc và bong bóng nhà đất Nhật Bản đã nổ tung vào năm 1991, khiến nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn trong hàng thập kỷ.
Giống như Nhật Bản, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một quốc gia thương mại lớn phát triển mạnh nhờ thặng dư thương mại. Cả hai ngày nay là một trong những quốc gia chủ nợ hàng đầu thế giới với một nền văn hóa có tỷ lệ tiết kiệm cao và phụ thuộc nhiều vào việc cho vay của ngân hàng, tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế có đòn bẩy cao.
Ông Ben Bernanke Cựu chủ tịch - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - kết luận rằng: Giảm phát sau “bong bóng” tại Nhật Bản là do các phản ứng chính sách tiền tệ không đúng lúc và không được đo lường cụ thể từ ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, Trung Quốc đã quy kết điều này cho Hiệp định Plaza - một hiệp ước tiền tệ năm 1985 đặt ra sự sụp đổ của tiền tệ Nhật Bản.
Với bài học định mệnh của Nhật Bản, Trung Quốc dự kiến sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ để giới thiệu Hiệp dịnh Plaza 2.0, trong thỏa thuận thương mại tạm thời đang được đàm phán. Do đó, bất kỳ điều khoản nào về sự ổn định của tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chỉ là một biểu tượng trong đàm phán và khó thực thi.
“Cơn ác mộng” tồi tệ theo kiểu Nhật Bản
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng các ngôi nhà được xây dựng nên là “để sinh sống chứ không phải để đầu cơ”, giá trị thị trường bất động sản của Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi quy mô của các nền kinh tế G7 cộng lại.
Với 65 nghìn tỷ USD, giá trị thị trường bất động sản hiện gần gấp 5 lần GDP Trung Quốc năm 2018 và hơn 10 lần giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc. Năm 2019, “bong bóng” bất động sản của Trung Quốc đang bị châm ngòi - cả từ hai phía cung và cầu.
Về phía nhu cầu, sự hụt hơi của thị trường rằng nhà ở sẽ tiếp tục khiến lợi nhuận giảm dần. Bắc Kinh biết rằng Trung Quốc có thể đã đạt đến điểm bùng phát nhân khẩu học hai năm trước. Khi dân số bắt đầu già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp, nhu cầu về cơ cấu nhà ở sẽ suy yếu - một vấn đề mà Nhật Bản đã phải vật lộn trong suốt 2 thập kỷ qua.
Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty bị siết chặt trong bối cảnh chi phí vay cao hơn và suy thoái giá nhà đất trở thành một lời tiên tri chính xác. Áp lực đó đã đưa bong bóng bất động sản đến gần với sự sụp đổ hơn bất cứ lúc nào kể từ năm 2003.
Gần đây, đã có một dấu hiệu, nhà phát triển bất động sản khổng lồ Soho Trung Quốc, đang tìm cách bán tất cả các tài sản thương mại cốt lõi ở Bắc Kinh và Thượng Hải trị giá 8,5 tỷ USD. “Tê giác xám” đang hoảng loạn.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 3,8% trong tháng 10/2019. Bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào nữa sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát. Tình trạng đình lạm cao sẽ là “ma quỷ” mới tại Trung Quốc.
Nếu bong bóng bất động sản nổ tung ngay bây giờ, các quyết định chính sách tiền tệ của Trung Quốc có dễ dàng hay không? Bao nhiêu và khi nào? Tất cả sẽ phức tạp và khó thực hiện hơn rất nhiều so với Nhật Bản vào cuối những năm 1980.
Cuộc chiến thương mại luôn có thể được giải quyết bằng cách cơ cấu lại lại các tuyến giao dịch toàn cầu theo thời gian, nhưng giấc mơ kinh tế của Trung Quốc sẽ kết thúc nếu “bong bóng” bất động sản nổ tung, theo kiểu Nhật Bản. Tất cả sẽ kết thúc; Câu hỏi cho Trung Quốc là khi nào và như thế nào?
Vào năm 2020, số phận của cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung sẽ ít phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại, và thực tế phụ thuộc nhiều hơn về việc Trung Quốc có thể kiềm chế “tê giác xám” trong sân nhà của mình hay không.
Thùy Dung
Theo Scmp