So áp lực của bất động sản hiện nay và giai đoạn suy thoái 10 năm trước
(Dân trí) - Theo chuyên gia, thị trường bất động sản hiện tại và giai đoạn suy thoái năm 2012 đều bị ảnh hưởng bởi thắt chặt tín dụng cho bất động sản, lãi suất cao, thanh khoản sụt giảm mạnh.
Báo cáo nhiều đơn vị môi giới gần đây đều nhận định, tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tiếp tục trạng thái trầm lắng.
Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại. Giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, 6 tháng đầu năm, giá giao dịch bất động sản tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I năm nay. Giá chung cư tại các địa phương giảm 2-6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm 6-10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng 8-11%.
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội - cho biết, giai đoạn hiện nay cũng có điểm tương đồng nhưng có nhiều sự khác biệt hơn so với chu kỳ suy giảm trước đây. Thị trường tại hai thời điểm đều bị ảnh hưởng bởi thắt chặt tín dụng cho bất động sản, lãi suất cao, thanh khoản sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, quy mô thị trường ở giai đoạn trước đây nhỏ hơn, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn thì nay thị trường bất động sản phát triển mạnh rất nhiều địa phương. Giá bán tại thời điểm ghi nhận tới quý I năm nay đều ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, việc điều chỉnh giá giảm không rõ nét.
Trong khi đó, cuối 2012, giá nhà ở thấp tầng trong dự án đã giảm mạnh đến 30% so với cùng kỳ năm 2011 - thời điểm thị trường Hà Nội bước vào giai đoạn suy thoái.
Thị trường đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn trước đó là việc tiếp cận nguồn vốn phát triển, đầu tư cũng như việc giải quyết các vấn đề pháp lý dự án kéo dài. Các thách thức trên khiến nguồn cung hạn chế, thiếu các sản phẩm phù hợp, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào dự kiến tăng.
Bên cạnh đó, đi kèm với thách thức trên là sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi.
Tình hình thị trường mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng Việt Nam vẫn là thị trường được kỳ vọng tích cực trong dài hạn. Ông Joe Dische - Giám đốc Tài chính của PropertyGuru - chia sẻ: "Tôi chưa từng đến đất nước nào mà người dân mong muốn và quan tâm đến việc sở hữu bất động sản nhiều như Việt Nam, quốc gia gần 100 triệu dân. Đây có lẽ là thị trường mà chúng tôi thấy hào hứng nhất trong dài hạn".
Ông Joe Dische cũng nhận định những thách thức hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam đã được tập đoàn công nghệ bất động sản này lường trước, tuy nhiên tập đoàn đánh giá đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn và thị trường đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực nhờ các động thái nhanh chóng của Chính phủ. Những áp lực này sẽ bắt đầu giảm bớt vào nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc vào cuộc "gỡ khó" cho thị trường bất động sản thời gian qua là rất lớn, được đánh giá rất có ý nghĩa và hỗ trợ đáng kể không chỉ trong ngắn mà dài hạn cho thị trường.
Tuy nhiên, để thị trường đi lên, cần có giải pháp đồng bộ từ tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, nhà đầu tư tới các tổ chức tín dụng.
Về phía chủ đầu tư, cần linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn vốn phát triển dự án bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng như hợp tác đầu tư, kinh doanh đưa ra các sản phẩm tốt, chính sách giá, bán hàng hấp dẫn, đa dạng đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua.