Shichi-go-san: Truyền thống cầu sức khỏe và hạnh phúc cho trẻ em Nhật Bản
(Dân trí) - Những đứa trẻ ở tuổi lên 3, lên 5, lên 7 được cha mẹ cho tham dự lễ Shichi-go-san như một cách đánh dấu ba cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành thuở niên thiếu.
Ngày 15/11 là ngày lễ Shichi-Go-San (7-5-3) ở Nhật Bản, dành cho các bé trai 3 và 5 tuổi (ở nhiều vùng chỉ dành cho bé trai 5 tuổi), cùng những bé gái 3 và 7 tuổi. Đây là dịp để chúc cho các em bé hay ăn chóng lớn, có tương lai tươi sáng.
Những lứa tuổi này được chọn để chúc mừng vì tuổi lên 3, lên 5, lên 7 được xem là những dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, và bởi số lẻ được coi là số may mắn ở Nhật Bản.
Số 15 may mắn
Mừng lễ Shichi-Go-San vào ngày 15/11 là có lý do. Số 15 là tổng của 3, 5 và 7 – vì thế cũng được xem như một con số đặc biệt tốt lành.
Trong lễ Shichi-Go-San hiện đại, trẻ em có thể mặc những bộ quần áo đẹp nhất, bé gái thường diện kimono còn bé trai thì vận hakama, rồi cùng cha mẹ tới đền thờ Thần đạo để tỏ lòng tôn kính tới thần linh. Ở đó, các bậc phụ huynh cầu nguyện cho con em có một tương lai hạnh phúc và cảm tạ vì các em được ban cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ được tặng một loại kẹo gọi là chitose-ame (“kẹo ngàn năm”) – được coi là để đảm bảo sức khỏe và tuổi thọ cho các em. Chitose-ame là một loại kẹo dài màu đỏ, trắng, đặt trong một chiếc túi trang trí họa tiết sếu và rùa – vốn là những biểu tượng trường thọ của Nhật Bản.
Shichi-go-san truyền thống
Trong quy định truyền thống, Shichi-go-san được chia thành các lễ nhỏ, tuỳ thuộc vào tuổi và giới tính của đứa trẻ, bao gồm Kamioki, Hakamagi-no-Gi và Obitoki-no-Gi.
Lễ đầu tiên trong các lễ này, dành cho trẻ 3 tuổi, là kamioki. Trong tiếng Nhật, kamioki nghĩa là "để tóc" và bắt nguồn từ tập tục cạo đầu trẻ sau khi sinh được 7 ngày, bất kể là trai hay gái và giữ đầu cạo cho tới năm 3 tuổi. Người ta tin rằng liên tục cắt tóc như vậy sẽ khiến tóc mọc dày hơn.
Vào mùa xuân đầu tiên sau sinh nhật 3 tuổi, lễ kamioki được tổ chức và sau đó tóc được để cho mọc tự nhiên.
Lễ thứ hai, dành cho bé trai 5 tuổi, là hakamagi-no-gi và xoay quanh việc mặc hakama (một loại quần ống rộng, xếp ly truyền thống dành cho các dịp trang trọng) cùng áo haori. Ngày lễ này đánh dấu lần đầu tiên các em được mặc trang phục trang trọng này, đi kèm với nhiều vai trò và trách nhiệm.
Lễ thứ ba, obitoki-no-gi, được tổ chức cho bé gái 7 tuổi và đây là lần đầu tiên các bé thắt "obi" (một loại khăn quấn thắt lưng truyền thống dành cho kimono), thay vì mặc các bộ kimono có sẵn dây buộc. Obi khó thắt hơn và được trang trí nhiều hơn, vì vậy nó tượng trưng cho quá trình chuyển sang giai đoạn trưởng thành ở bé gái. Khi được tổ chức lần đầu, từ tận thời Kamakura, obitoki-no-gi dành cho trẻ lên 9, cả trai lẫn gái, nhưng dưới thời Edo, hakama-no-gi trở thành ngày lễ tiêu chuẩn cho các bé trai 5 tuổi còn obitoki-no-gi dành cho bé gái 7 tuổi.
Đằng sau tất cả những nghi lễ này là quan niệm về quá trình thay đổi khi đứa trẻ bước một bước mới tiến tới sự trưởng thành.
Lễ Shichi-Go-San hiện đại
Ba nghi lễ Shichi-Go-San là để mừng sự phát triển của trẻ nhỏ và hiện giờ không phải lúc nào lễ này cũng được tổ chức. Ngày nay, các nghi lễ này thường được thay thế bằng hoạt động thăm viếng đền thờ để bày tỏ lòng tôn kính, cũng như cầu chúc cho tương lai của con trẻ.
Một xu hướng hiện đại khác là các bậc phụ huynh coi dịp này như cơ hội để ghi lại hình ảnh con cái trong các bộ đồ lễ nghi và chia sẻ các bức ảnh đó cho gia đình, bạn bè.
Cuối cùng, sự linh hoạt trong việc chọn ngày đi viếng đền dịp Shichi-Go-San có thể cũng là dấu hiệu của thời đại. Tới đền thờ Nhật Bản 1-2 tuần trước hoặc sau ngày lễ chính thức 15/11, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp một nhóm gia đình vui vẻ mừng ngày Shichi-Go-San. Người Nhật ngày nay đang chọn cách lưu giữ cảm giác ấm áp bên nhau và niềm vui vô tư lự của ngày lễ Shichi-Go-San - một di sản tập trung vào gia đình của Nhật Bản - mà không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các tập tục.