Hà Nội:
Biến đất trồng lúa thành đất ở sẽ bị phạt tới 400 triệu đồng
(Dân trí) - TP Hà Nội tăng gấp 2 lần mức tiền phạt đối với 71 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123 của Chính phủ. Nghị quyết này quy định 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt, từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123 của Chính phủ.

Với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, TP Hà Nội sẽ phạt 300-400 triệu đồng (Ảnh minh họa: Trần Kháng).
Với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha trở lên. Với nghị quyết Hà Nội vừa thông qua, mức phạt này sẽ tăng lên từ 300-400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết, cá nhân có hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt 20-60 triệu đồng với diện tích đất từ 3ha trở lên.
Đối với cá nhân có hành vi chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt 300-400 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha trở lên…
Nghị quyết nêu rõ, việc áp dụng mức phạt tăng cường này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và ban hành. Đối với các hành vi vi phạm đã lập biên bản trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực, mức phạt vẫn áp dụng theo quy định cũ.
UBND TP Hà Nội nêu việc nâng mức xử phạt là một trong những biện pháp mạnh nhằm tăng tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai. Bước đi này quan trọng nhằm thực hiện Luật Thủ đô năm 2024, với mục tiêu quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.