Sashiko - Nghệ thuật trong những đường thêu của người Nhật Bản
(Dân trí) - Trong đời sống hiện đại, những đường khâu đơn giản của sashiko lại có sức hút lạ kỳ và trở thành một trong những hình thức nghệ thuật thủ công tiêu biểu của Nhật Bản.
Sashiko là một kỹ thuật may vá truyền thống của đất nước Nhật Bản được lưu truyền từ thời Edo (1615 - 1868). Ngày nay, kỹ thuật này đã trở thành một phong cách độc đáo và có chỗ đứng trong ngành thời trang cao cấp. Tuy nhiên, ít ai biết ban đầu nó được phát triển bởi những người lao động nghèo để tận dụng những bộ đồ cũ dùng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
May vá là hoạt động chính hàng ngày của những người phụ nữ thuộc gia đình tầng lớp lao động thời Edo. Họ sử dụng kỹ thuật này để gia cố hoặc sửa chữa những chỗ bị mòn rách trên quần áo bằng các miếng vá, làm cho miếng vải trở nên bền chắc và dày hơn, từ làm ra những bộ quần áo bảo hộ lao động chắc chắn.
Vào thời điểm đó, vải vóc là một mặt hàng quý giá. Các loại sợi tự nhiên như bông, tơ tằm và sợi gai dầu được dệt bằng tay và nhuộm thủ công. Những loại vật liệu này rất đắt tiền chỉ dành cho một bộ phận người giàu trong xã hội. Tầng lớp bình dân chỉ sử dụng loại vải sợi gai dầu thô ráp và dễ bị sờn rách. Sashiko đã ra đời như một kỹ năng cần thiết để tồn tại thời bấy giờ.
Đến thời Minh Trị (1868-1912), kỹ thuật may vá sashiko đã trở nên phổ biến hơn trong đời sống của người dân Nhật Bản. Ngay cả quần áo bảo hộ cá nhân, áo khoác của lính cứu hỏa (hikeshibaten) trong thời kỳ Edo và Meiji cũng được tạo mẫu bằng kỹ thuật sashiko với hình thêu rồng, biểu tượng của nước và lòng dũng cảm.
Ngày nay, khi con người hiện đại có xu hướng tối giản hóa lối sống, những đường khâu đơn giản nhưng lại có sức hút khó tả của sashiko trở thành một trong những hình thức nghệ thuật thủ công tiêu biểu của Nhật Bản. Bạn có thể tìm thấy kiểu khâu sashiko trên các tấm lót ly, quần áo, chăn màn, túi xách... với thiết kế từ truyền thống đến hiện đại. Mặc dù vậy, sashiko kết hợp với các loại vải nhuộm chàm dường như vẫn được yêu thích hơn cả.
Các kiểu khâu sashiko
Phong cách thêu sashiko cơ bản được chia thành năm loại chính.
Moyozashi sử dụng các đường khâu chạy có các dạng hình học lặp đi lặp lại, được tạo thành từ các đường thẳng, đường cong hay zigzag.
Hitomezashi là sự liên kết của nhiều đường khâu đơn có thể là các đường ngang, dọc hoặc có chéo, có thể chạm hoặc không chạm nhau, tạo thành các hình có đường viền.
Kogin, có nghĩa là tấm vải nhỏ, là một loại hình thêu kỳ công từ quận Tsugaru của Honshu.
Shonai sashiko, đến từ vùng Shonai của tỉnh Yamagata, là kiểu thêu tập hợp từ các đường thẳng cắt nhau.
Kakurezashi là kiểu thêu nghệ thuật sử dụng sợi chỉ nhuộm chàm.
Các mẫu thêu phổ biến nhất của Nhật Bản là vảy cá, kim cương, núi, tre, lá hồng, hình mũi tên, cỏ pampas... và các khối hình học lồng vào nhau.
Tiêu biểu cho văn hóa chống lãng phí của người Nhật
Nghệ thuật này tiêu biểu cho phong cách tái chế quần áo cũ thể hiện sự thông minh của người Nhật xưa. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện triết lý "mottainai" của người dân tại xứ sở mặt trời mọc.
Mottainai trong tiếng Nhật có nghĩa là "lãng phí". Đây là một thuật ngữ trong Phật giáo cổ của người Nhật, mang hàm ý tôn trọng các tài nguyên xung quanh, không được lãng phí và sử dụng chúng với sự biết ơn. Trong nhiều thế kỷ, "mottainai" thể hiện thái độ sống có trách nhiệm của người dân nước này đối với mọi sản vật tự nhiên và sản phẩm nhân tạo. Người Nhật luôn mang sự tôn trọng đối với mỗi sản phẩm và có ý thức cao trong việc giảm thiểu sự lãng phí, khuyến khích tái sử dụng, tái chế rác thải.
Chúng ta có thể thấy được ở nghệ thuật sashiko này tất cả các nền tảng thẩm mỹ và đạo đức của văn hóa Nhật Bản như chủ nghĩa tối giản, ghét sự lãng phí, quan tâm đến tài nguyên và tái sử dụng các đồ vật...