Sang Israel học trồng rau sạch, vợ chồng Việt về quê mở nông trại 6.000m2
(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học, Thanh Dư và Thanh Mi sang Israel học người Do Thái cách làm nông nghiệp. Trở về Việt Nam, họ cùng nhau hiện thực hóa niềm đam mê với đồng ruộng.
“Bén duyên” nhờ niềm đam mê với đồng ruộng
Nông trại dược liệu của vợ chồng kỹ sư Huỳnh Thanh Dư và Thanh Mi có diện tích 6.000m2, tọa lạc tại xã Mỹ Ngãi, cách trung tâm TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khoảng 7km. Đây là thành quả của cặp vợ chồng trẻ sau thời gian nghiên cứu, học tập cách làm nông nghiệp tại Israel và trải nghiệm nhiều hoạt động, khóa học làm nông trong nước.
Cách đây 2 năm, sau khi sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử - viễn thông của Đại học Bách Khoa TP. HCM, Huỳnh Thanh Dư đã quyết định đăng ký đi thực tập sinh nông nghiệp ở Israel.
Quá trình thực tập tại đây, Thanh Dư quen Thanh Mi - cô bạn tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm cùng đại học nhưng trước đó chưa hề biết nhau. Dư làm trong nông trại rau quả ở miền nam Israel, còn Mi làm trong nông trại hoa miền Bắc.
Từ sự thẹn thùng, e dè của những người bạn xa quê gặp gỡ nhau ở vùng đất mới, họ dần cởi mở hơn nhờ chung niềm đam mê với đồng ruộng. Cặp đôi thường xuyên chia sẻ với nhau về những chuyến đi, kiến thức và khao khát thực hiện một điều gì đó về nông nghiệp khi trở về Việt Nam.
Kết thúc một năm thực tập tại Israel, Thanh Dư và Thanh Mi trở về Việt Nam. Họ gặp lại nhau, chính thức nói lời yêu. Cả hai bắt đầu đi trải nghiệm cách làm nông ở một số nông trại và tham gia nhiều khóa học.
Vốn có thói quen sử dụng thảo mộc để chăm sóc sức khỏe, lại nhận thấy xu hướng dùng thảo mộc trong nhiều lĩnh vực ngày càng thịnh hành nên Thanh Mi nảy ra ý tưởng đi theo mô hình này. Hơn nữa dược liệu được xem như “vàng xanh” của Việt Nam, còn ít người theo đuổi nên nếu làm dược liệu sẽ tạo được sự khác biệt.
“Hô biến” mảnh đất 6.000m2 cằn cỗi thành nông trại dược liệu xanh tốt
Sau kết hôn, hai người dùng số vốn tích cóp được để thuê một mảnh ruộng 6.000m2 ở Đồng Tháp - quê nhà của Dư và bắt đầu thuê máy xúc đào ao 2.000m2, lấy đất bồi vườn.
Bước đầu gặp khó khăn nhưng vợ chồng trẻ vẫn bình thản đối mặt và tin rằng sẽ làm mảnh đất này “nở hoa” bởi tinh thần “thép” đã được tôi luyện khi thực tập tại Israel.
Cặp đôi hàng ngày cần mẫn dùng cuốc vỡ từng cục đất khô cứng, làm đến đâu bón phân, trồng cây tới đấy cho đến khi những cây atiso đỏ, đậu biếc, sả và một số giống hoa bắt đầu đâm chồi.
Vụ đầu tiên, hai vợ chồng trồng đậu đen xanh lòng trên diện tích 2.000m2, đặt mục tiêu sau 3 tháng phải có sản phẩm bán để có tiền trang trải. Họ chăm chỉ ủ phân vi sinh, sáng sớm đã dậy vặt ngọn đậu, chiều nào cũng kéo nước tưới. Tuy nhiên, thành công không dễ dàng. Sau 3 tháng, đậu trồng trái vụ, lượng phân không đủ nên hạt nhỏ, sâu, chỉ lọc được một ít để dùng.
Chi phí thiệt hại không lớn, chủ yếu là tiền giống nhưng công sức chăm bẵm bỏ ra không hiệu quả, cả hai rất buồn. “Tụi mình động viên nhau phải hướng về phía trước chứ không được bỏ cuộc. Những cây đậu ban đầu được trồng cũng giúp cải tạo đất tốt hơn còn các loại cây dược liệu bị thiệt hại giúp mình hiểu hơn về vùng đất mà mình canh tác”, Dư nói.
Giai đoạn đầu chưa có nguồn nhân lực hỗ trợ, chỉ có hai vợ chồng làm khá vất vả nên họ tuyển thêm tình nguyện viên. Những bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành trong nước đã tới đây học làm nông, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Điều vợ chồng Dư truyền tải đến họ cũng rất đơn giản, đó là tương lai của nông nghiệp Việt Nam chính là con người. Khi người nông dân có tri thức hơn thì nền nông nghiệp sẽ có cơ hội thay đổi.
Mỗi ngày, vợ chồng Dư cùng các tình nguyện viên bắt đầu làm việc tại nông trại từ 7h sáng đến giữa trưa thì về ăn cơm, nghỉ ngơi. Chiều 2 giờ lại tiếp tục công việc cho đến khi hoàng hôn buông. Từ những buổi đầu làm nông còn hoảng sợ khi gặp rắn rết, cóc nhái, các bạn tình nguyện viên đã dần bạo dạn, thích nghi hơn.
Ngoài khu vực trồng các loại dược liệu chủ lực để sản xuất sản phẩm như atiso đỏ, bạc hà, đậu biếc, vợ chồng Dư còn bố trí khu rau trồng tự cung hay trồng khắp nông trại các cây dược liệu dạng bảo tồn.
Ban đầu vườn chỉ bón phân bò, sau đó họ tận dụng nguồn thân, lá cây chuối sẵn có rồi cả mọi loại thân cây rau cỏ khác để ủ phân vi sinh. Cách này vừa hỗ trợ dưỡng chất và lợi khuẩn cho đất, vừa giúp họ chủ động được nguồn phân cho vườn. Các dung dịch sinh học để phun tưới, phòng ngừa sâu bệnh cũng được sử dụng để cây phát triển tốt mà không hại môi trường.
Nhờ có sự góp sức của đội ngũ tình nguyện viên mà chỉ sau 10 tháng, mảnh đất sét cứng như đá trước đây đã được phủ xanh hoàn toàn bởi hơn 20 loại dược liệu. Nông trại cũng dần cho nguồn thu từ các sản phẩm như siro, trà atiso đỏ, đậu biếc, bạc hà...
Quá trình học hỏi, trải nghiệm ở Israel được Dư áp dụng vào nghiên cứu sản phẩm và bán ra thị trường nên khá suôn sẻ. Các sản phẩm bước đầu đã cho thu nhập đủ trang trải và cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu sản phẩm mới. Hiện họ đang làm giấy chứng nhận để có thể lên kệ siêu thị sản phẩm của mình.
Trong tương lai, họ hướng tới trở thành một nông trại trung tâm, liên kết với những nông hộ vệ tinh để hình thành một hệ sinh thái nông trại dược liệu. Họ hi vọng những sản phẩm của nông trại không chỉ được phát triển trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài.