Rao bán khách sạn la liệt, kỳ vọng vốn khủng từ "đại gia" ngoại

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo quan sát của JLL, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực theo dõi thị trường khách sạn. Các cơ hội chuyển nhượng trong trung tâm thành phố được tiếp tục tìm kiếm.

Rao bán khách sạn la liệt, nỗi khổ thời Covid-19

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một thời gian dài sau khi dừng cách ly xã hội, rất nhiều khách sạn ở những khu vực đắc địa Hà Nội vẫn đóng cửa im ỉm hoặc treo biển rao bán.

Theo chuyên gia, với đợt dịch Covid-19 mới bùng phát, các khách sạn và khu resort sẽ tiếp tục phải ngậm ngùi khi bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch cao điểm như những năm trước đây.

Trên một con phố dài vài trăm mét khu vực phố cổ, một không khí kém sôi nổi khi nhiều khách sạn nằm san sát nhau đóng cửa, thậm chí có khách sạn treo biển rao bán mấy chục tỷ đồng.

Rao bán khách sạn la liệt, kỳ vọng vốn khủng từ đại gia ngoại - 1
Một khách sạn khu vực phố cổ được rao với giá 69 tỷ đồng. Ảnh: N.Mạnh.

Chủ nhà khách sạn này cho biết, anh mới lấy lại từ khách thuê và rao bán. Trước đó, vị này cho thuê bán hàng dưới tầng 1 khoảng 70 triệu đồng/tháng và cho thuê làm khách sạn từ tầng 2 đến tầng 5 với giá khoảng 90 triệu đồng/tháng.

Trên các kênh bất động sản, trang cá nhân Facebook, Zalo, thông tin chuyển nhượng, rao bán bất động sản cũng xuất hiện ngày càng dày đặc. Nhiều khách sạn hạng sang quy mô lớn cũng đã công bố báo cáo tài chính với mức lỗ cả trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàn, CEO một chuỗi khách sạn uy tín ở Việt Nam chia sẻ, khi đại dịch xảy ra, kinh doanh dịch vụ là một trong những lĩnh vực suy thoái nghiêm trọng, công suất phòng khách sạn, giá trung bình trượt dốc với tốc độ phi mã do nhu cầu đi lại du lịch, công tác sụt giảm.

Rao bán khách sạn la liệt, kỳ vọng vốn khủng từ đại gia ngoại - 2

Khách sạn muốn thu hút khách buộc phải giảm giá, khuyến mại. Ảnh: N. Mạnh.

Với những doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mà phải thuê khách sạn của chủ sở hữu, tuỳ theo quy mô, tiền thuê lên tới vài trăm triệu đồng/tháng, hoặc thậm chí cả tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí vận hành khách sạn hàng tháng cũng tiêu tốn con số tương ứng như vậy.

Trong khi đó doanh thu giảm hoặc không có thì doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thời gian tính bằng ngày chứ không thể triền miên nhiều tháng. Trong khi đó các khoản chi phí như nhân công, lãi vay ngân hàng… thì vẫn trả đều đều. 

Chính sức ép lớn về tài chính nhưng chưa biết bao giờ dịch được kiểm soát hoàn toàn khiến nhiều chủ khách sạn, nghỉ dưỡng không thể gắng gượng.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực theo dõi thị trường mua bán khách sạn

Bắt đầu từ tháng 5, thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng bắt đầu ghi nhận dấu hiệu hồi phục khi lệnh cách ly xã hội tạm dừng. Việt Nam trải qua gần 3 tháng kiểm soát dịch bệnh rất tốt khi không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tin tức về các ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng, Hà Nội... trong những ngày qua khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận định, tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng sẽ có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.

Trong một báo cáo mới công bố mang tên “Định hướng phục hồi thị trường khách sạn", đại diện JLL Việt Nam kỳ vọng vào việc sẽ có nhiều giao dịch từ các công ty nước ngoài, các chủ sở hữu dự án bất động sản khác cũng như các giao dịch từ các dự án khách sạn vừa và nhỏ trên cả nước sau dịch Covid-19.

“Chúng tôi cũng dự đoán sẽ có các giao dịch từ các chủ sở hữu nhiều loại hình bất động sản muốn thoái vốn khỏi khách sạn sau khi đánh giá các giải pháp tài chính ngắn hạn và giải pháp dòng tiền cho đến khi nhu cầu du lịch, khách sạn và doanh thu phục hồi”, chuyên gia JLL cho biết.

Rao bán khách sạn la liệt, kỳ vọng vốn khủng từ đại gia ngoại - 3

Chuyên gia JLL kỳ vọng các khách sạn 4-5 sao trong khu vực trung tâm sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phần lớn do sự khan hiếm đất trống để phát triển dự án mới. Ảnh: JLL.

Đại diện JLL cũng cho biết, giao dịch chuyển nhượng khách sạn trong năm 2019 đạt 358 triệu USD, chiếm 17% tổng giao dịch thị trường Đông Nam Á.

Theo quan sát của JLL, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực theo dõi thị trường khách sạn cao cấp. Các cơ hội chuyển nhượng trong trung tâm thành phố được tiếp tục tìm kiếm.

"Chúng tôi kỳ vọng các khách sạn 4-5 sao trong khu vực trung tâm sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phần lớn do sự khan hiếm đất trống để phát triển dự án mới", chuyên gia JLL cho biết. JLL cũng kỳ vọng về dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào thị trường.

Theo chuyên gia JLL, năm trước, mặc dù TP.HCM là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam nhưng không có nhiều cơ hội chuyển nhượng của các dự án được sở hữu bởi các tổ chức trên thị trường. Không có giao dịch nào đáng chú ý được ghi nhận trong năm 2019.

Trong khi đó, thị trường ven biển mang đến nhiều cơ hội đầu tư hơn và JLL ghi nhận thương vụ mua bán khách sạn Sheraton với quy mô 280 phòng tại Nha Trang.

Còn ở Hà Nội, chuyên gia JLL nhận định, đây là một trong những thị trường đầu tư khách sạn tiềm năng trong năm 2019 và một điểm đầu tư khách sạn hấp dẫn ở Việt Nam nhờ triển vọng về kinh tế và tăng trưởng ổn định của ngành du lịch.