Rầm rộ treo băng rôn đòi nhà, cư dân cần làm gì để không phạm luật?
(Dân trí) - Bỏ một số tiền lớn ra mua chung cư với mong muốn được hưởng các tiện ích, dịch vụ mà nhà đất không có, song cư dân nhiều chung cư phải khổ sở đi đấu tranh đòi quyền lợi với chủ đầu tư.
Gần đây, hàng loạt cư dân tại các khu chung cư, các dự án trên cả nước căng băng rôn, đấu tranh đòi quyền lợi với chủ đầu tư. Tuy nhiên, đa phần người dân đi đòi quyền lợi nhưng không hiểu luật, dẫn đến ảnh hưởng trật tự công cộng.
Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Nga - Công ty luật TNHH Linh Nga và cộng sự, đây chỉ là cách thức người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và truyền đạt thông tin, hay kêu cứu để chính quyền vào cuộc giải quyết.
Lấy dẫn chứng cụ thể, luật sư Nga cho biết, Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Cũng theo bà Nga, việc treo băng rôn, biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư là nhằm thể hiện quan điểm cá nhân, truyền đạt thông tin vì không đạt được thỏa thuận với chủ đầu tư, không phải nhằm mục đích quảng cáo kinh doanh. Pháp luật Việt Nam không cấm hành động này. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Cư dân hoàn toàn có quyền treo băng rôn phản đối chủ đầu tư.
"Nhưng nếu người dân có hành vi manh động, gây rối, vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý theo các chế tài liên quan. Nếu mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở an toàn giao thông. Nếu nặng hơn có thể bị xử phạt hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại tài sản, sức khỏe hay nhân phẩm của người khác" - bà Nga cho hay.
Chia sẻ cụ thể về quy định xử phạt của việc treo băng rôn, khẩu hiệu trái quy định pháp luật, luật sư Nga cho biết, cư dân có thể bị phạt hành chính theo điểm b, điểm l, điểm i khoản 3 Điều 5, vi phạm quy định về trật tự công cộng Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Mức phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.
Nặng hơn theo bà Linh Nga, cư dân sẽ bị xử lý hình sự nếu nội dung băng rôn, biểu ngữ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay đe dọa đến cá nhân, pháp nhân thì người treo băng rôn hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 155, 156, 331 Bộ luật hình sự 2015.
"Có thể nói, Pháp luật Việt Nam hoàn toàn không cấm người dân treo băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư. Tuy nhiên nội dung băng rôn khẩu hiệu có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc hình sự như trên thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Do đó, cư dân cần bình tĩnh, tỉnh táo và cư xử, hành động đúng trong khuôn khổ pháp luật quy định" - bà Nga chia sẻ.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng chia sẻ thêm, trong quá trình đấu tranh đòi quyền lợi, người dân không nên đứng xuống lòng đường mà chỉ được đứng trên vỉa hè. Bởi hành động đó là vi phạm luật giao thông.
"Nếu người dân dán băng rôn trên ô tô, cũng nên tránh vị trí gương để không vi phạm luật và tuyệt đối tuân thủ luật an toàn giao thông", bà Linh Nga nói và cho biết thêm, cư dân cũng không nên dùng loa bởi có thể vi phạm quy định về tiếng ồn.
Theo khoản 1 Điều 155, tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 - 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Điểm a, Khoản 1 Điều 156, tội vu khống: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Khoản 1 Điều 331, Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khoản 2 Điều 331: Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.