Quỹ đất TP. HCM siết chặt, sóng đầu tư ngược về đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ tiếp tục khan hiếm trong ít nhất trong 2 năm tới. Thực trạng cung thấp - cầu cao khiến giá bất động sản, đặc biệt là các phân khúc đất nền, căn hộ gia tăng liên tục, đồng thời đẩy mạnh làn sóng đầu tư về các khu đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn.

BĐS TP. HCM “tắc” nguồn cung

Trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP. HCM tiếp tục rơi vào tình trạng trầm lắng do hạn chế quỹ đất phát triển dự án. Phân khúc đất nền hầu như chỉ còn tập trung ở một vài khu vực vùng ven với mặt bằng giá mới liên tục được xác lập. Nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc đưa ra thị trường không nhiều và tình hình giao dịch không mấy sôi động trong khi nhu cầu của người dân vẫn ở mức cao.

“Tắc” nguồn cung trở thành hạn chế chung cho tất cả các phân khúc bất động sản trong suốt 3 quý vừa qua. Giá bán bị đẩy lên cao vô tình khiến cho thị trường TP. HCM trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Tại hội thảo Xu thế sở hữu bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, các chuyên gia cảnh báo, thị trường BĐS TP.HCM sẽ tiếp tục khan hiếm ít nhất là trong 2 năm tới. Trong khi đó, theo khảo sát, cứ mỗi năm dân số TP. HCM tăng khoảng nửa triệu người, kéo theo nhu cầu nhà ở cũng chỉ có tăng mà không hề giảm.

Quỹ đất TP. HCM siết chặt, sóng đầu tư ngược về đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn - 1
Việc khan hiếm nguồn cung tại thị trường BĐS TP. HCM đang tạo ra làn sóng di cư mạnh mẽ, trong đó những khu vực giáp ranh phía Nam TP. HCM đang chiếm ưu thế hơn cả

Hiện trạng khan hiếm đã khiến thị trường phía Nam xuất hiện làn sóng đầu tư ngược tập trung vào các vùng giáp ranh TP. HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong số đó, những khu vực liền kề Nam Sài Gòn như Cần Giuộc, Đức Hòa đang chiếm ưu thế hơn cả. Hiện nay, nếu khoảng cách từ các quận ngoại thành (Củ Chi, Cần Giờ,…) lên đến Bến Thành vào khoảng 18 - 35 km thì Cần Giuộc chỉ khoảng 15 km, Đức Hòa khoảng 30 km.

Nam Sài Gòn đón sóng

Theo thống kê dữ liệu từ Google, trong thời gian trở lại đây, BĐS Long An, đặc biệt là các từ khóa như Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức… được tìm kiếm nhiều nhất. Đối tượng khách hàng tìm kiếm chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Long An. Bên cạnh nhiều dự án vừa ra hàng đã nhanh chóng được thị trường tiêu thụ hết, Long An đang chuẩn bị đón số lượng lớn dự án mới từ các “đại gia” BĐS. Đáng chú ý phải kể đến 36 dự án với diện tích 2.086 ha do Vạn Thịnh Phát đầu tư, dự án Khu công nghiệp và Đô thị Việt Phát quy mô 1.832,95 ha, Khu kinh tế mở rộng 32.300 ha do Him Lam đầu tư, khu công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ Becamex 3.045 ha,…

Từng được biết đến là thị trường BĐS mới nổi, thu hút nhà đầu tư bằng dòng sản phẩm nhà đất giá mềm, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, mặt bằng giá đất tại vùng Nam Sài Gòn biến động mạnh. Đơn cử tại Cần Giuộc, giá đất hiện tại đang dao động ở mức 18 - 25 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi khi so lại mức giá 8 - 9 triệu đồng/m2 trong năm 2016.. Nhiều chuyên gia nhận định mức giá này chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh pháp lý BĐS tiếp tục siết chặt và quỹ đất tại TP. HCM ngày càng hạn chế.

Quỹ đất TP. HCM siết chặt, sóng đầu tư ngược về đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn - 2
Giới đầu tư nhận định, trong cơn “khát đất”, những dự án liền kề Sài Gòn sở hữu pháp lý sạch và có mức giá khoảng 1,1 - 1,4 tỷ sẽ là dòng sản phẩm được thị trường hấp thụ mạnh mẽ ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp

Một cú hích lớn cho BĐS Nam Sài Gòn là các dự án mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ lên 6 - 8 làn xe và nâng lộ giới đường Lê Văn Lương 40m, đồng thời xây mới 4 cây cầu trên tuyến này gồm Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Dự kiến khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ khu vực này về Bến Thành sẽ được rút ngắn chỉ còn 20 – 25 phút.

Cũng nằm trong trục kết nối với TP. HCM, Nam Sài Gòn tiếp nhận kinh phí đầu tư lên đến hơn 5 tỷ USD để phát triển loạt dự án như: Mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30m; mở rộng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh; mở rộng quốc lộ 50 thành 6 làn xe và dự án đường song hành quốc lộ 50; xây Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 - quận 2; xây hệ thống hầm chui - cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; dự án tuyến Metro số 4 kết nối các điểm Thạnh Xuân - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước…

Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trọng điểm này sẽ giúp kết nối giao thương thuận lợi từ trung tâm hành chính Nam Sài Gòn đến các khu vực lân cận và tạo trục liên kết cho cụm công nghiệp của vùng với TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. Bên cạnh đó, theo đề án Quy hoạch vùng TP. HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong tương lai sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM. Đây tiếp tục là lực đẩy khiến nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu an cư liên tục đổ về phía Nam Sài Gòn.

Lê Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm