Quỹ đất đô thị sẽ tăng dù nhiều nơi bỏ hoang phí: Đại biểu đề nghị xem lại

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị giai đoạn 2021-2030. Bởi thực tế thời gian qua nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

Chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với đất dành cho trồng lúa. Theo đó, quy hoạch về đất trồng lúa cần được đề cập rõ ràng hơn trong Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất quốc gia của Chính phủ.

Quỹ đất đô thị sẽ tăng dù nhiều nơi bỏ hoang phí: Đại biểu đề nghị xem lại - 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Quốc Chính).

Bên cạnh bảo vệ quỹ đất dành cho trồng lúa và phát triển nông nghiệp, đại biểu Cường cho rằng, trong dự kiến kế hoạch sử dụng đất cũng cần chú ý đến quỹ đất dành cho phát triển các khu kinh tế.

Trong đó, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp tăng là cần thiết. Riêng khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu cũng phải được chú trọng. Vì dành quỹ đất cho những nơi này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế - xã hội.

Cũng theo đại biểu này, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

Việc tăng quỹ đất đô thị cần được cân nhắc, tính toán xem có phù hợp với từng địa phương hay không? Điều này cũng là nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia, đại biểu Cường đặt vấn đề.

Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất cũng cần được đặt trong tổng thể quy hoạch từng vùng với những nhu cầu thực tiễn ở nơi đó.

Trong khi đó, góp ý về kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) quan tâm tới đất cho giáo dục và đào tạo. Theo đó, ông An cho rằng cần ưu tiên hơn nữa cho quỹ đất dành cho giáo dục và đào tạo.

"Nhiều quận ở Hà Nội rất thiếu đất cho trường học. Có lớp học tới 64 cháu. Trong khi đất cho chung cư, dự án thương mại thì nhiều", đại biểu đề nghị đất dành cho giáo dục và đào tạo cần tăng hơn.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường góp ý, việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất quan trọng, vì có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân. Song vấn đề này còn hình thức, kém hiệu quả, chủ yếu chỉ đăng tải trên cổng thông tin, khó theo dõi và đóng góp ý kiến.

Ông Cường đề nghị đánh giá, tìm ra giải pháp, làm sao để lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn nhiều bất cập, không chỉ chậm, mà chất lượng quy hoạch cũng không cao, lại điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt tình trạng "quy hoạch treo" gây lãng phí rất nghiêm trọng.

Lần quy hoạch này có khắc phục được bất cập, hạn chế thời gian qua không là vấn đề được ông Cường đặt ra. Đại biểu Cường cũng đề nghị làm rõ hơn đến chỉ tiêu đất trồng lúa.

Theo phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, đất đô thị cả nước hiện có 2,03 triệu ha (gồm các loại đất nằm trong phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu đô thị mới đã hình thành thuộc phạm vi phát triển đô thị); đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha.

Đất trồng lúa: trong 10 năm qua giảm 202,93 nghìn ha, chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Năm 2020, cả nước có 3,92 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định.

Để đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và trên cơ sở quy mô dân số, phương pháp dự báo của FAO về an ninh lương thực, quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 nghìn ha.