Quận nào của Hà Nội có nhiều chung cư "om" quỹ bảo trì nhất?

Các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân, trên địa bàn mỗi quận có tới hàng chục toà chung cư chậm trễ trong việc thành lập Ban quản trị, chây ì bàn giao quỹ bảo trì.

Trong đó, riêng quận Nam Từ Liêm có tới 37 tòa chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Chủ đầu tư chiếm dụng tiền quỹ bảo trì để kinh doanh

Báo cáo mới đây của cơ quan TP Hà Nội cho thấy, chỉ riêng địa bàn quận Nam Từ Liêm có tới 159 toà nhà cao tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có 141 toà chung cư thương mại (CCTM).

Theo quy định của Bộ Xây dựng, sau khi bàn giao căn hộ cho cư dân thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tiến hành Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị (BQT) và thông qua các quy định, quy chế, nội dung bảo trì, phí dịch vụ…

Quận nào của Hà Nội có nhiều chung cư om quỹ bảo trì nhất? - 1

Nhiều toà chung cư tại Hà Nội chưa thành lập BQT và chậm bàn giao quỹ bảo trì 2% dẫn tới những khiếu kiện của cư dân. (Trong ảnh: Cư dân chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư 379 trả sổ hồng, quỹ bảo trì cho cư dân...)

Thế nhưng hiện tại, quận Nam Từ Liêm có tới 32 toà chung cư chưa thành lập Ban quản trị và 37 toà chưa tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì 2%.

Lí giải cho việc này, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, do tình hình khó khăn nên một số toà chung cư còn nhiều căn hộ trống, chưa bán được hoặc chưa có người đến ở nên chưa đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập BQT tòa nhà. Ngoài ra, một số chủ đầu tư còn cố tình trì hoãn, chưa nghiêm túc thực hiện hết trách nhiệm trong việc này.

Cũng giống như Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm có tới 141 toà chung cư đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn 25 toà chưa thành lập BQT; 22 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì và 12 toà chưa bàn giao hồ sơ.

UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác bàn giao quỹ bảo trì 2% là do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên hầu hết chủ đầu tư lấy kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của toà nhà nhập vào tài khoản chủ đầu tư để chiếm dụng kinh doanh.

Còn việc chậm bàn giao hồ sơ là do vướng mắc ở thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng chưa rõ ràng nên khi cư dân yêu cầu bàn giao hồ sơ thiết kế cơ sở hay phương án kiến trúc thì đa số chủ đầu tư không bàn giao.

Tại quận Thanh Xuân hiện cũng có 73 toà CCTM, trong đó có 20 toà chưa thành lập BQT và 7 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì, UBND quận Thanh Xuân khẳng định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì 2% cho BQT; Trường hợp không bàn giao sẽ căn cứ đề nghị của BQT, tổng hợp gửi Sở Xây dựng và UBND TP thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Hàng trăm tòa chung cư "om" quỹ bảo trì của cư dân 

Luật Nhà ở 2014 quy định rõ, chủ đầu tư không được phép sử dụng khoản tiền quỹ bảo trì nhà chung cư, số tiền này phải được chuyển khoản vào một tài khoản riêng. Sau đó, chủ đầu tư phải bàn giao gốc và lãi cho BQT.

Sau khi thành lập BQT, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ thiết kế của tòa nhà cũng như dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ vào đó, cư dân có thể biết được dự án còn thiếu hạng mục nào, tiến độ của các hạng mục là ra sao?

Quận nào của Hà Nội có nhiều chung cư om quỹ bảo trì nhất? - 2

Tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập BQT; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%.

Ngoài ra, khi thành lập rồi thì BQT sẽ là đại diện cho cư dân có quyền chất vấn Ban quản lý toà nhà về vấn đề chất lượng dịch vụ và phí dịch vụ, thay mặt cư dân thay thế đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp do cư dân lựa chọn để lợi ích của cư dân là tốt nhất.

Theo sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP đã thành lập được 632/833 BQT nhà chung cư, bàn giao hồ sơ 560/632 BQT, bàn giao kinh phí bảo trì 2 % cho 399/526 BQT (không bao gồm 106 toà nhà chung cư xây dựng trước luật nhà ở năm 2005, do không có kinh phí bảo trì).

Như vậy, tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập BQT; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%. Trong đó, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân là 3 quận còn tồn tại nhiều nhất.

Anh N.V.B, cư dân tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về quỹ bảo trì gần đây đã cho thấy kẽ hở dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư tự ý sử dụng khoản tiền này theo mục đích riêng, không trao trả đủ cho BQT nhà chung cư. Bởi vậy, việc thành lập BQT toà nhà chung cư và bàn giao quỹ bảo trì 2% là hết sức cần thiết hiện nay”.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã từng xử phạt 125 triệu đồng đối với Công ty CP Thương mại quảng cáo xây dựng địa ốc Việt Hân do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định; Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư chung cư “dát vàng” Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị phạt 125 triệu đồng do chậm bàn giao quỹ bảo trì...

Mới đây, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư theo hướng chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định...

Trong khi đó, nhiều địa phương cho rằng cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho Ban quản trị.