Đề xuất mới về 2% quỹ bảo trì: Chủ đầu tư hết thời “giở trò"
(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99. Trong đó đưa ra một số nội dung mới liên quan đến quỹ bảo trì.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Trong đó có đưa ra một số nội dung mới liên quan đến quỹ bảo trì, vấn đề gây nhiều tranh cãi tại các chung cư thời gian vừa qua.
Cụ thể, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 trong dự thảo Nghị định được sửa đổi, bổ sung như sau: Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này).
Dự thảo nêu rõ chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.
Chủ đầu tư cũng phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này.
“Nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này” - dự thảo nêu.
Hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Nghị định 99 thì người mua nhà nộp kinh phí bảo trì theo 02 hình thức: (1) nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán hoặc (2) nộp cho chủ đầu tư để chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, việc quy định 2 hình thức nộp tiền như trên dẫn đến tình trạng chủ đầu tư đã sử dụng kinh phí này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí để bàn giao sang cho Ban quản trị. Do đó, cần thiết bỏ quy định về hình thức nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư để hạn chế tình trạng trên.
“Một số địa phương cũng đề nghị cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho ban quản trị” - Bộ Xây dựng cho biết.
Trước đó, Dân trí cũng có một số bài phản ánh về tình trạng "om" quỹ bảo trì. Mấy năm trở lại đây, “cuộc chiến” về quỹ bảo trì chung cư liên tục diễn ra, mức độ ngày càng gay gắt. Hầu hết các cuộc tranh chấp này đều do chủ sở hữu không bàn giao hoặc không bàn giao hết số quỹ 2% cho ban quản trị.
Bộ Xây dựng cũng từng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi chiếm dụng phí bảo trì.