Phú Quốc cho tách thửa trở lại, "sốt" đất liệu có tái diễn?

Thế Hưng

(Dân trí) - Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch, giá đất Phú Quốc vẫn chưa có biến động dù đã được tách thửa trở lại. Nhiều môi giới cho biết thanh khoản sẽ khó khăn do diện tích tách thửa tối thiểu lớn.

Trước đây, việc tách thửa ào ạt ở Phú Quốc đã kéo theo cơn "sốt" đất chưa từng thấy. Ngay sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã tạm dừng việc phân lô, tách thửa.

Đến tháng 7/2019, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 16 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh, trong đó có đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, sau khi quy định này được đưa vào áp dụng đã phát sinh những bất cập nên UBND tỉnh này có công văn chỉ đạo tạm dừng tách thửa trên địa bàn thành phố Phú Quốc cho đến nay.

Giá đất vẫn đi ngang dù được tách thửa trở lại

Theo tìm hiểu của Dân trí, năm 2014, giá đất tại Phú Quốc đã tăng gấp 3 lần sau khi có điện lưới, từ 1,5 triệu đồng/m2 lên 4,5 triệu đồng/m2. Năm 2017, sau loạt thông tin về việc Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại đây lại tiếp tục tăng phi mã. Song, từ năm 2018 đến nay, giá đã đi ngang do không được tách thửa và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch, giá đất tại Phú Quốc vẫn chưa có biến động dù có thông tin được tách thửa trở lại. Theo ghi nhận, tại khu vực cách phường Dương Đông 5 km và cách biển 10 km, giá đất đã phân lô là khoảng 17 - 26 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Các lô đất này có diện tích nhỏ, dao động 115 - 130 m2 và được tách thửa từ trước năm 2018.

Phú Quốc cho tách thửa trở lại, sốt đất liệu có tái diễn? - 1

Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại.

Thế nhưng, mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quy định mới về việc tách thửa. Trong đó, đối với đất trồng cây lâu năm diện tích tối thiểu được tách thửa ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 300 m2; khu vực nông thôn (xã) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 500 m2.

Đất trồng cây lâu năm cũng chính là loại đất được rất nhiều dân đầu tư quan tâm. Bởi theo anh Nguyễn Ngọc Hiếu (Hà Nội) - một môi giới bất động sản Phú Quốc - đất trồng cây lâu năm thường được giao dịch với diện tích lớn, tiềm năng tách thửa để bán sẽ đem lại lợi nhuận cao. Trước đây, các nhà đầu tư thường "săn" đất này, có người mua cả hơn 300 ha đất chia thành hơn 200 lô nhỏ để bán lại.

Tuy nhiên, theo môi giới này, quy định tách thửa đất trồng cây lâu năm có diện tích tối thiểu 300 - 500 m2 sẽ khiến cho thanh khoản của các lô đất không cao. Vì nếu tính theo giá 17 triệu đồng/m2 thì một lô đất diện tích 300 m2 có giá hơn 5 tỷ đồng. Dù một số chủ đầu tư ở Phú Quốc cam kết lợi nhuận 15-20%/năm (có bảo lãnh của ngân hàng) thì số tiền các nhà đầu tư bỏ ra cũng khoảng hơn 4 tỷ đồng, là số tiền lớn.

"Hơn nữa, tách thửa đất trồng cây lâu năm thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, chủ đất cũng phải có quan hệ tốt và tốn kém nhiều loại chi phí mới tách được thửa", anh Hiếu cho hay.

Ở Phú Quốc hiện nay vẫn còn rất nhiều loại đất, trong đó đất sơ đồ, đất chỉ (đất người quen chỉ chỗ mua) và đất trồng cây lâu năm giá chỉ từ 5-6 triệu đồng/m2. Song theo anh Hải - một môi giới đất Phú Quốc - các loại đất này có rủi ro rất cao. Đất trồng cây lâu năm cần phải được kiểm tra quy hoạch kỹ trước khi mua.

Còn đối với đất sơ đồ, anh Hải cho rằng, loại đất này sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tách thửa. Theo anh Hải, người mới đầu tư vào Phú Quốc nên cẩn trọng với loại đất này.

Tách thửa cẩn trọng, tránh phá vỡ quy hoạch

Nhận định về việc Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại, bà Ngô Thị Phương Thảo, Trưởng Bộ môn - Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho biết, đây là một cách để nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường. Chính sách này cũng giải quyết vấn đề cho các nhà đầu tư chuyển nhượng lô đất nhỏ. Thị trường với nhiều đối tượng tham gia sẽ sôi động và có thể tăng giá một đợt, sau khi dịch được kiểm soát. Điều này cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư nội vào kinh doanh các lĩnh vực khác ngoài du lịch.

Tuy nhiên trong dài hạn, bà Thảo cho rằng, Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính - du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Nếu có kênh đào đi qua Malaysia và Thái Lan thì Phú Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Do đó, địa phương này cần xây dựng quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài có tầm cỡ.

Phú Quốc cho tách thửa trở lại, sốt đất liệu có tái diễn? - 2

Tách thửa ồ ạt có thể làm ảnh hưởng tới quy hoạch tương lai của Phú Quốc.

"Nếu tách thửa ồ ạt trở lại có thể băm nát quy hoạch của Phú Quốc, lợi ích cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng. Vì các nhà đầu tư khi tham gia vào hòn đảo này sẽ tìm kiếm những khu đất có diện tích lớn để làm du lịch. Nếu làm không tốt, du lịch Phú Quốc sẽ trở nên manh mún", bà Thảo khẳng định.

Hơn nữa, chuyên gia này cũng cho rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư, việc phải gom đất như "dồn điền đổi thửa" đất nông nghiệp trước đây sẽ là một trở ngại lớn. Đất trồng cây lâu năm bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau này, khi các nhà đầu tư lớn mua lại cũng sẽ phải mua với giá đất ở. Giá đất bị đẩy lên quá cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bà Thảo, một thực tế hiện nay, đất Phú Quốc vẫn chưa thực sự được mua để làm du lịch, mà phần lớn vẫn là đầu cơ. Song, dù kinh doanh du lịch thì với diện tích 300 m2 xây nhà nghỉ hay khách sạn nhỏ cũng khiến ngành công nghiệp không khói ở Phú Quốc trở nên manh mún.

"Do đó, việc tách thửa cần hết sức cẩn trọng để không phá vỡ quy hoạch và làm mất đi tầm cỡ của đảo Phú Quốc", bà Thảo khẳng định.