“Phố núi” không người và những “công trình một đêm”

Ánh nắng chiếu thẳng xuống những mái tôn dưới thung lũng tạo nên luồng sáng làm lóa mắt người nhìn. Mái tôn của ngôi nhà, chòi lúa đầy màu sắc xanh, trắng, đỏ lấp lánh. Công trình thủy điện về, thung lũng sâu thêm nhiều sắc màu cùng những ngôi nhà trống rỗng…

“Phố núi” không người và những “công trình một đêm” - 1

Hàng chục ngôi nhà, chòi lúa vừa dựng trong khu vực sẽ làm lòng hồ thủy điện Đăkre.

Những căn nhà rỗng

Vượt qua hơn 100 km từ trung tâm TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) qua UBND xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, chúng tôi được cô gái tên Phạm Thị Trúc chở vào thôn Nước Lăng. Qua những con dốc rừng, lội suối lẫn bùn đất, mấy lần Trúc ngả tay lái khi chở thêm hai người phía sau. Chiếc xe máy cà tàng của vợ chồng Trúc quen với đường rừng nên không tắt máy mỗi khi qua đồi, lội suối.

“Đường đi khó vậy mà họ vẫn vác cây, đất cát vô làm nhà đó. Hai, ba ngày là có một nhà mới” - Trúc “thuyết minh”.

Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thung lũng thôn Nước Lăng hiện ra, xanh mướt của ruộng non, cây rừng cùng dòng suối dài Nước Lăng. Dưới thung lũng, những ngôi nhà mới toanh, những chòi lúa đủ màu sắc làm chói mắt người nhìn. Căn nhà sàn ven dốc rộng mươi mét vuông, trụ được dựng bởi những thân gỗ to còn mùi mùn cưa vừa xẻ. Những tấm ván đóng vội bao quanh căn nhà, mái tôn màu xanh lá cây lắp cứng trên các thanh ngang.

Xuống phía dưới, nhưng ngôi nhà to nhỏ đủ kích cỡ dựng trên các bờ ruộng lô nhô, xen kẽ cao thấp. Ven rừng keo chung quanh triền thung lũng, nhiều căn nhà nhỏ ẩn hiện trong tán cây lá như chòi canh thú dữ. Nhà, chòi canh to nhỏ, mái ngói, mái tôn nhiều màu nhưng đều khóa kín cửa.

“Họ không có ở đây đâu, họ vô làm nhà xong đóng cửa đi về… nhà rồi. Nhà ở cách đây hơn cây số thôi” - chị Phạm Thị Liên giải thích thắc mắc của khách xa.

Không chỉ nhà ở, ngay dòng suối Nước Lăng, nhánh sông đưa nước về ruộng cho thung lũng, vài ao cá, hồ nước cũng được xây vội bằng gạch, xi-măng bên hông những căn nhà cạnh bờ suối.

Ông Phạm Văn Bân cho biết, vùng trũng Nước Lăng cách xa trung tâm xã, ngăn cách bởi suối lớn nên việc vận chuyển cây rừng, vật liệu gian nan. Vì thế, nhiều người cùng giúp nhau “dựng nhà trống”. Tùy mức “đầu tư”, mỗi công trình có giá từ 3 - 10 triệu đồng.

“Họ đồng lòng giúp nhau làm nhà. Hôm nay làm cho người này thì mai làm cho người khác. Bà con ở đây nghèo nên nghe tin sắp xây dựng thủy điện bèn rủ nhau lên rừng chặt cây lấy gỗ, mua vật liệu làm nhà chờ đền bù” - ông Bân bật mí.

Bất lực với “công trình một đêm”

Cuối năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi có quyết định chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Đăkre 2 trên diện tích 39 ha tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. Dự án có vốn đầu tư là 345,5 tỷ đồng, công suất 10MW, cung ứng 35,16 triệu KWh mỗi năm. Quyết định ký chưa ráo mực, hơn 30 công trình nhà ở, chòi canh, ao cá trái phép “mọc” ngay dưới thung lũng - nơi dự kiến sẽ thành lòng hồ thủy điện. Ba Xa là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng làm nhà, công trình trái phép thì… nhanh như chớp. Nhiều nhà chòi, ao cá xây dựng sau một đêm khiến chính quyền không kịp trở tay.

“Phố núi” không người và những “công trình một đêm” - 2

Từng “khu phố” nhỏ liền kề nhau đóng kín cửa, không bóng người.

Thực trạng xây công trình trái phép ồ ạt trong thung lũng cách biệt với trung tâm xã khiến địa phương bối rối, bất lực. Khi những ngôi nhà đầu tiên mọc lên, chính quyền xã Ba Xa đã tổ chức đoàn kiểm tra và vận động bà con tháo dỡ, trả lại hiện trạng đồng ruộng ban đầu. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo địa phương rời đi, công trình trái phép mọc… nhiều hơn.

Ông Phạm Văn Tem, Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết, ngay sau Tết, người dân ồ ạt xây dựng công trình, đón đầu dự án, chờ tiền đền bù. Khi chính quyền sở tại đến công trình thì người dân lánh mặt, bỏ trốn đi nơi khác.

“Mình xuống thì dân trốn, khi mình về họ lại tiếp tục làm thêm chòi, ao cá. Nhà họ ở cách đó cả cây số. Mình vận động không được, còn nếu cưỡng chế, xử phạt thì nhiều hộ nghèo không có tiền đóng nên khó quá. Chúng tôi không biết làm sao” - Chủ tịch xã Ba Xa bất lực.

Là vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Ba Tơ, xã Ba Xa phần lớn là hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào lúa rẫy, cây keo. Vì vậy, khi nghe có dự án lớn về thôn, bà con tranh thủ… đón đầu. Chính quyền địa phương bất lực, sau nhiều tháng nhà cửa, chòi canh lúa, ao hồ cá vẫn còn nguyên.

Hệ quả của những “công trình một đêm” là bất ổn an ninh trật tự; đào ao chặn suối làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ sạt lở bờ sông, vùng hạ lưu là khó tránh khỏi.

Ông Phạm Giang Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, khi các đơn vị chức năng khảo sát dự án thủy điện Đăkre người dân đã biết vùng quy hoạch công trình thủy điện, các vị trí dự kiến thi công lòng hồ, nhà máy, tuyến ống. Và ngay sau đó, các công trình không phép xuất hiện nằm gọn trong vùng quy hoạch.

“Khi chỉ mới khảo sát dự án thôi người dân đã biết và họ làm công trình đúng diện tích trong vùng quy hoạch. Họ ngấm ngầm làm mình không biết hết. Huyện đang chỉ đạo vận động người dân tự tháo dỡ, nếu không sẽ xử lý vi phạm hành chính. Chúng tôi xử lý theo từng bước và sẽ cưỡng chế nếu cần thiết” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ khẳng định.

Ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, cuộc sống bà con vẫn còn nhiều khốn khó khi dựa chính vào lúa rẫy, cây rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Các công trình lớn từ dưới xuôi lên non để đầu tư được xem là cơ hội cho bà con đón đầu kiếm tiền đền bù. Người dân dựng nhà, xây công trình tạm bợ trong thời gian ngắn còn chính quyền thì chạy theo để vận động, xử lý “chuyện đã rồi”.

Từ nhiều năm qua ở Quảng Ngãi, cứ khi có công trình dưới xuôi lên vùng cao thì kéo theo đó những “phố núi không người ở”. Phố núi nhiều màu sắc cũng như sự “vờn nhau nhiều sắc màu” của chính quyền và bà con nơi cao xa.

Theo Đồng Huyền

Nhân dân

“Phố núi” không người và những “công trình một đêm” - 3