Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Muốn đô thị thông minh phải sớm nghiên cứu kết nối”

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, muốn xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh thì phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, từ thấp cho đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Tất cả những việc đó phải được triển khai một cách đồng bộ. Do đó, cần phải nghiên cứu sự kết nối.

Phải nghiên cứu kết nối

Chia sẻ tại Tọa đàm về "Đô thị Thông minh, hướng tới quy hoạch và phát triển Khu Đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh” vừa được tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh cần phải lấy con người là trung tâm. Phải xây dựng đô thị vì con người, vì sự phát triển của đất nước. Muốn có đô thị thông minh, phải xây dựng được những gia đình hạnh phúc. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Muốn đô thị thông minh phải sớm nghiên cứu kết nối” - 1
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, nếu bên cạnh khu biệt lập sang trọng như thế, đẹp đẽ như thế, thông minh như thế… mà có những khu đô thị người dân không thể nào có tiện ích bằng thì đó là điều bất công

Đồng quan điểm với Bí thư Nhân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng nêu rõ quan điểm: Xây dựng đô thị thông minh phải lấy con người làm trọng tâm. Theo đó, khu dân cư trong đô thị thông minh phải xây dựng làm sao để cả 3 thế hệ trong một gia đình gồm người già, người trung niên và người trẻ đều có thể chung sống được. 

Ngoài ra, khu đô thị thông minh còn phải có giao thông thông minh, năng lượng tái tạo thông minh, môi trường trong sạch bền vững, giáo dục – y tế thông minh, công nghệ thông minh, kết nối thông minh, cũng như phải có các dịch vụ thông minh bao gồm cả cứu hộ – cứu nạn thông minh.

Theo đó, ông Hoan cũng đề nghị pháp lý hóa những tiêu chuẩn nêu trên vào quy định trong xây dựng khu đô thị thông minh, nhằm yêu cầu cao đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, để xây dựng được khu đô thị thông minh thì cần nghiên cứu thêm về giải pháp kết nối để người dân ở khu đô thị hiện hữu bên cạnh khu đô thị thông minh có thể được thụ hưởng những tiện ích nội khu.

“Chúng ta làm ở khu biệt lập cũng có thể được. Nhưng nếu bên cạnh khu biệt lập sang trọng như thế, đẹp đẽ như thế, thông minh như thế… mà có những khu đô thị người dân không thể nào có tiện ích bằng thì đó là điều bất công. Điều đó là không nên. Cho nên cần phải nghiên cứu kết nối để người dân bên ngoài khu đô thị thông minh đó cũng được hưởng ít nhất một phần nào đó những tiện ích của khu đô thị thông minh”, ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, muốn xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh thì phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, từ thấp cho đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Tất cả những việc đó phải được triển khai một cách đồng bộ. Do đó, cần phải nghiên cứu sự kết nối.

Đẩy mạnh quản lý bằng công nghệ

Liên quan tới việc thực hiện khu đô thị thông minh, ông Lee Gyeong Taek, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần LAVI E&C đề xuất cơ cấu cơ bản của đô thị thông minh trên phần diện tích 80ha tại khu Đông TPHCM sẽ bao gồm ba bài toán về chính sách là nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch với ba “thung lũng” được xây dựng.

Trong đó, Thung lũng nông trại thông minh và Thung lũng trí tuệ thông minh gồm khu hạt giống, cây giống, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm vận chuyển, kinh doanh, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực ươm trồng doanh nghiệp… với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra việc làm cho 15.000 lao động.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Muốn đô thị thông minh phải sớm nghiên cứu kết nối” - 2

Theo ông Lee Gyeong Taek, quản lý bằng công nghệ sẽ làm đô thị trở nên minh bạch, công bằng và có điều kiện để phát triển bền vững.

Riêng Thung lũng nhà ở thông minh sẽ được trang bị các công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, mặt đất được công viên hóa trong khi bãi đậu xe được ngầm hóa, khu vực nhà ở được xây dựng phục vụ cho việc cư trú theo thế hệ như người già, trung niên và thanh niên…

Ngoài ra, ông Lee Gyeong Taek cũng đề xuất xây bức tường ngăn lũ, nhà chung cư ngăn nước sông để chống ngập trong khu đô thị thông minh vào mùa mưa lũ. Còn đối với việc xử lý rác thải, người dân sẽ phân rác, quản lý rác thải bằng công nghệ. Riêng việc xử lý nước thải bằng cảm biển nước thải dựa trên lượng mưa.

Theo ông Lee Gyeong Taek, quản lý đô thị thông minh bằng công nghệ sẽ giúp việc quản lý trở nên công bằng và động bộ hơn về chi phí. Hơn nữa, quản lý bằng công nghệ sẽ làm đô thị trở nên minh bạch, công bằng và có điều kiện để phát triển bền vững.

Nói về công nghệ, ông Kim Young Woo, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn KT cho biết, hiện ở Hàn Quốc đã có công nghệ 5G và ông cũng mong muốn dùng giải pháp 5G làm kỹ thuật chính cho đô thị thông minh tại TPHCM. Chưa hết, ông Kim Young Woo còn muốn đưa công nghệ AI vào khu đô thị thông minh nhằm hỗ trợ phát triển y khoa, cũng như giúp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.

“Khoảng 50% năng lượng điện được sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải được sử dụng để cung cấp không khí cho các lò phản ứng sinh học. Do đó, nếu điều tiết theo điều kiện tốc độ dòng khí của máy quạt sử dụng AI thì tiết kiệm 40% mức tiêu thụ điện của máy quạt. Ngoài ra, còn có thể vận hành ở cấp độ chuyên nghiệp để có thể xử lý đảm bảo chất lượng nước ổn định”, ông Kim Young Woo nói.

Quế Sơn