1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Phân lô bán nền: Cần chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư không dám vi phạm

Thế Hưng

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều chủ đầu tư tự ý phân lô đất bán nền trái quy định kiếm lời, nhưng do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Thậm chí, chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến "Phân lô bán nền: Quản hay cấm?" do Báo Điện tử Dân trí tổ chức sáng nay (7/4), bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn khẳng định, không chỉ với chủ đầu tư, ngay cả với người thi hành công vụ cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn.

Phân lô bán nền: Cần chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư không dám vi phạm - 1

Các chuyên gia cho rằng, không nên cấm nhưng cần có cách quản lý việc phân lô bán nền hiệu quả. (Ảnh: Đỗ Linh).

Khẳng định như vậy, bởi theo bà Vân Anh, luật hiện không thiếu, nhưng tổ chức thi hành thì phải bàn. Hiện khuôn khổ thực hiện phân lô bán nền (PLBN) đã có quy định, nhưng vẫn có vi phạm xảy ra.

"Trong Luật đất đai, chúng tôi có điều khoản quy định rất rõ, chính quyền cơ sở là nơi đầu tiên phát hiện và ngăn chặn sai phạm. Nhưng thực sự có những trường hợp chủ đầu tư san lấp PLBN trên diện rộng mà chính quyền không có phản ứng", bà Vân Anh nói và khẳng định thêm, địa phương bật đèn xanh làm ngơ thì người phát triển mới có thể làm được. Việc xây 1 bức tường có thể khó phát hiện, nhưng san lấp cả một diện tích lớn không thể nào không phát hiện.

Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về hoàn thiện pháp luật, cần có chế tài để nhà đầu tư không thể vi phạm được, kể cả với người thi hành công vụ cũng cần có chế tài nghiêm để họ không làm ngơ, nhắm mắt cho vi phạm xảy ra.

Phân lô bán nền: Cần chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư không dám vi phạm - 2

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần có chế tài nguyên với cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc PLBN (Ảnh: Đỗ Linh).

Luật hiện không cấm các hình thức PLBN, vì theo bà Vân Anh, thời điểm thi hành luật năm 2003, Nghị định 181 cấm hoàn toàn PLBN ở khu vực đô thị và khu vực phát triển quy hoạch đô thị. Nhưng 2 năm sau đó, Nghị định 17 lại mở hơn, cho phép PLBN ở khu vực thị trấn và nông thôn.

Khi Quốc hội thảo luận Luật 2013, điều 194 vẫn quy định, trong các dự án phát triển về nhà ở, đất ở vẫn mở ra hình thức cho PLBN. Bởi nhu cầu thị hiếu và khả năng tiếp cận của người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Dẫn chứng thêm về luật, bà Vân Anh nhắc tới Nghị định 11 về quản lý đô thị, theo đó, một số dự án Bộ Xây dựng còn có ý kiến trước khi UBND tỉnh quyết. Như vậy, hình thức PLBN có mở để thúc đẩy thị trường cho người thu nhập thấp, trung bình tiếp cận. Song, cần phải quản lý tại các đô thị đặc biệt, dự án tại các trục đường có quản lý về đô thị.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ quy định vẫn có phạm vi phải quản, quản theo hướng quy định các khu vực được PLBN và giao cho các UBND cấp tỉnh xem xét các dự án cụ thể để quyết định dự án nào được thực hiện PLBN.

Chia sẻ giải pháp quản lý PLBN, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các thông tin quy hoạch, thông tin dự án sau khi được phê chuẩn cần phải được công khai.

"Ngoài ra, các đối tượng tham gia thị trường cần phải có kiến thức, họ cần phải tự chịu trách nhiệm, phải là người tham gia thị trường thông thái. Họ cũng cần tăng cường nhận thức pháp luật, bởi nhiều người tham gia thị trường bất chấp pháp lý vẫn xuống tiền mua dự án, đến khi rủi ro thì họ lại kêu Nhà nước", Vụ trưởng cho hay.

Đồng tình với bà Vân Anh, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc không cho phép phân lô bán nền tại một số khu vực thì được nhưng việc cấm một cách toàn diện thì rất bất ổn. Việc mở rộng phạm vi khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô, bán nền sẽ khiến nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Thậm chí, quỹ đất sẽ không được khai thác hết và cản trở quá trình phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.