"Ông lớn" bất động sản bán giá cắt lỗ, nhà đầu cơ tháo chạy thoát nợ
(Dân trí) - Làn sóng giảm giá bất động sản được dự báo sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm, đã có doanh nghiệp bất động sản chiết khấu sâu tới 40% giá trị sản phẩm.
Doanh nghiệp đói vốn
Báo cáo thị trường bất động sản của nhiều đơn vị nghiên cứu công bố gần đây cho thấy, từ tháng 4 năm nay các dự án bất động sản mới và các dòng sản phẩm khác trong thị trường có sự giảm thanh khoản một cách bất ngờ. Có đơn vị nghiên cứu đánh giá việc thanh khoản này giảm trên 60%, đặc biệt có những dự án thanh khoản giảm trên 80%.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh của các doanh nghiệp bất động sản. Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ, thị trường và sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cụ thể như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn...
Ngoài ra, theo ông Châu, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" nên có hiện tượng doanh nghiệp phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao.
Bất động sản giảm giá, chiết khấu đến 40%
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, áp lực về nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng). Điều này đã tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, theo ông Châu việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội thâu tóm, làm mất đi lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
"Tình thế rất khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm "tiền khủng hoảng" dẫn đến thị trường bất động sản bị "khủng hoảng đóng băng" trong giai đoạn 2008-2013", ông Châu nhấn mạnh.
Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa được SSI Research cập nhật, đưa ra những nhận định khó khăn cho cả ngành ngân hàng lẫn bất động sản.
Đơn vị đưa báo cáo cho biết, nhiều chủ đầu tư bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm. Doanh nghiệp chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12 năm nay đến tháng 3 năm tới.
Lãi suất cho vay mua nhà tăng lên khiến những người mua nhà tiềm năng do dự. Một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30-40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt với tỷ lệ thanh toán trước là 90%.
Cụ thể, tại TPHCM, số lượng căn hộ được giao dịch trong quý III chỉ đạt 900 căn, giảm 89% so với quý II. Tỷ lệ hấp thụ đạt 15-35% đối với các dự án mới, mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Tại thị trường Hà Nội, tình hình có khả quan hơn khi tỷ lệ hấp thụ đạt 50% nhưng lượng hàng tồn kho căn hộ trên 4 tỷ đồng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
"Dự báo làn sóng giảm giá bất động sản có thể còn tiếp tục đến cuối năm, với mức giảm có thể từ 10-20% hoặc thậm chí cao hơn. Đối với những người mua đầu cơ chưa thể bán lại bất động sản để tất toán khoản vay, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua nhà có thể tăng trong thời gian tới", trích phân tích của đơn vị đưa báo cáo.