Ôm núi tiền mặt, công ty này vượt Novaland và loạt đại gia về việc trả nợ

Mộc An

(Dân trí) - Một công ty BĐS có lượng tài sản thanh khoản cao gấp 2,5 lần nợ phải trả trong khi tỷ lệ ở Vinhomes, Novaland, Phát Đạt chỉ 0,02-0,07. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh chung của công ty mẹ lại kém sáng.

Trong báo cáo thị trường bất động sản năm 2022, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản được Bộ Xây dựng nhắc tới là việc thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động.

Đối lập với bức tranh chung của thị trường, có một công ty bất động sản là đơn vị bất động sản hiếm hoi dư giả về dòng tiền hiện nay. Điều này được thể hiện qua giá trị những tài sản có tính thanh khoản cao nhất bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Tạm thời có thể xem tổng 2 khoản mục này là tiền mặt của doanh nghiệp. 

Hãy thử so sánh tỷ lệ tiền mặt nắm giữ với nợ phải trả của Công ty Tài chính Hoàng Huy so với các công ty bất động sản lớn trong ngành như Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã: NVL), Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR), Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã: KDH), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG), Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần (mã: IDC).

Tính đến ngày 31/12/2022, doanh nghiệp bất động sản của đại gia Đỗ Hữu Hạ có lượng tiền mặt khoảng 7.170 tỷ đồng. Trong khi đó nợ phải trả (gồm nợ ngắn hạn và dài hạn) là 2.865 tỷ đồng. Như vậy sau khi trả hết nợ, doanh nghiệp vẫn còn dư tới 4.305 tỷ đồng. Lượng tiền mặt mà công ty này nắm giữ gấp 2,5 lần nợ phải trả. 

Cùng thời điểm trên, "ông lớn" Vinhomes nắm giữ 14.741 tỷ đồng tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi đó lượng nợ phải trả lên tới 212.800 tỷ đồng. Như vậy lượng tiền mặt chỉ đủ thanh toán khoảng 0,07 tổng số nợ phải trả gồm cả ngắn và dài hạn.

Cũng ghi nhận số nợ phải trả lên tới 212.536 tỷ đồng, gần bằng Vinhomes nhưng Novaland chỉ có lượng tiền mặt 8.927 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ đáp ứng nợ bằng tài sản thanh khoản cao của doanh nghiệp này ở mức 0,04.

Trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi, Công ty cổ phần Vincom Retail (mã: VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tỷ lệ trả nợ nhanh cao nhất với mức 0,77. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp này nắm giữ lượng tiền mặt khoảng 7.117 tỷ đồng, nợ phải trả là 9.275 tỷ đồng.

Xếp sau Vincom Retail là Khang Điền. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận 2.796 tỷ đồng tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, nợ phải trả ở mức 9.838 tỷ đồng, tương đương mức tỷ lệ 0,28.

Doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nợ phải trả nhanh thấp nhất là Phát Đạt với mức 0,02. Cuối năm ngoái công ty này chỉ có 271 tỷ đồng tài sản thanh khoản cao nhưng nợ phải trả lên tới 13.576 tỷ đồng.

Theo tính toán của Dân trí với 20 công ty bất động sản lớn trên thị trường tại thời điểm 31/12/2022, phần lớn các doanh nghiệp này đều sử dụng đòn bẩy lớn khi duy trì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) lớn hơn 1.

Nhiều công ty giữ mức khá cao như Novaland là 4,73 lần, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) là 4,18 lần, Vingroup là 3,24 lần, Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (mã: TID) là 2,62 lần.

Cũng có công ty có tỷ lệ D/E thấp nhất là Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) với mức 0,28 lần. Tài chính Hoàng Huy giữ mức 0,25 lần tại thời điểm 31/12/2022.

Về cơ cấu nợ phải trả của công ty này, người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 1.640,8 tỷ đồng, chiếm 57,3% nợ phải trả. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, nguồn thu trên chủ yếu đến tiền ứng trước theo tiến độ của khách hàng mua bất động sản tại các dự án Hoàng Huy - Sở Dầu, Hoang Huy Commerce. 

Tuy vậy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III/2022 (niên độ năm tài chính từ 1/4 đến 31/3) của công ty mẹ tài chính Hoàng Huy chỉ đạt 94,35 tỷ đồng, giảm 72,84%. Lợi nhuận sau thuế đạt 72,09 tỷ đồng, giảm 63,68%. Theo giải trình, công ty mở rộng đầu tư thông qua các dự án thuộc công ty con, do vậy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ.