Ôm đất làng chờ lên phố, nhà đầu tư "cầm đèn chạy trước ô tô" vỡ mộng

Việt Vũ

(Dân trí) - Mặc dù nhiều chuyên gia đã liên tục cảnh báo rủi ro về xu hướng đầu tư lướt sóng theo tin đồn tuy nhiên vẫn có nhiều nhà đầu tư phải trả giá đắng.

Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã không ngừng phát triển về các tỉnh lẻ hoặc các vùng ven thành phố lớn, khiến giá đất tăng đột biến.

Cũng nhờ sức "nóng", người người, nhà nhà đã đổ hết vốn liếng để đầu tư đất đai, nhà cửa ở các khu vực ven đô nhất là các địa phương có thông tin về quy hoạch.

Đã có trường hợp, do không tìm hiểu kỹ thông tin dự án và đặt niềm tin quá lớn vào môi giới bất động sản, một số nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng, lỗ tới hàng tỷ đồng.

Ông Thế Minh, một nhà đầu tư bị thiệt hại 2 tỷ đồng sau cơn sốt đất Vân Đồn vào năm 2019 cho biết: Tại thời điểm vừa xuất hiện thông tin Quảng Ninh chuẩn bị thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn, ông Minh mỗi ngày nhận hàng chục cuộc gọi từ môi giới đất đai, mục đích là kêu gọi đầu tư vào các dự án đất nền tại đây.

Lúc đầu, ông Minh do dự bởi Vân Đồn không có nhiều điểm nhấn và không phải là sự lựa chọn hàng đầu để rót vốn. Sau khi có người quen giới thiệu về tiềm năng đất Vân Đồn khi được quy hoạch trở thành Đặc khu kinh tế, ông Minh quyết định bỏ ra 6 tỷ đồng, để mua 4 lô đất có tổng diện tích là 200 m2, tương đương 30 triệu đồng/m2.

Thời điểm đầu mới đầu tư, giá trị mảnh đất của ông Minh đã tăng vọt từ 30 triệu đồng/m2 lên 33 triệu đồng/m2, thậm chí có lúc đạt 35 triệu đồng/m2, lời 600 - 1 tỷ đồng. Lúc đó, ông Minh nhận thấy đầu tư vào Vân Đồn là một quyết định đúng đắn và quyết định chờ thêm một thời gian nữa mới bán ra, thu lợi nhuận.

Ôm đất làng chờ lên phố, nhà đầu tư cầm đèn chạy trước ô tô vỡ mộng - 1

Ôm đất theo tin đồn, nhiều nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: Việt Vũ

Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu tư, sau khi tạm dừng việc thành lập Đặc khu, giá đất Vân Đồn "cắm đầu" đi xuống. Thậm chí, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá đất tại đây giảm giá không phanh.

"Từ 30 triệu đồng/m2, giá đất Vân Đồn rớt giá thảm hại, chỉ 21 triệu - 22 triệu đồng/m2. Như vậy, sau 1 năm đầu tư, tôi lỗ gần 2 tỷ đồng. Đến nay, dù đã chạm "đáy", cũng có ít người hỏi mua đất Vân Đồn", ông Minh nói.

Cũng giống như ông Minh, bà Đỗ Thu Lan, một nhà đầu tư khác bị "chết" vốn ở Đông Anh cho biết: Theo quy luật của thị trường, mỗi khi có thông tin quy hoạch, nhà đầu tư sẽ ồ ạt tới khu vực đó để ôm đất số lượng lớn, chờ tăng giá để bán ra.

"Bởi vì, thời điểm đầu mới có thông tin quy hoạch, giá đất còn rẻ, chứ nếu để thêm vài hôm sẽ các đội "cò" đất thổi giá gấp đôi, gấp 3. Tôi biết, khi đầu tư vào thời điểm mới có thông tin quy hoạch sẽ phải đối mặt với vô vàn rủi ro, nhưng nếu vượt qua rủi ro, lợi nhuận sẽ rất lớn", bà Lan nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam VARS), mặc dù nhiều chuyên gia, các phương tiện truyền thông đại chúng đã liên tục cảnh báo rủi ro về xu hướng đầu tư "cầm đèn chạy trước ô tô", lướt sóng theo tin đồn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều người là "tín đồ" của xu hướng này.

Theo ông Đính, chỉ cần nghe phong phanh đất ở khu vực này sắp quy hoạch, hay đất đang "sốt" là các nhà đầu tư không ngần ngại bỏ vốn. Thế nhưng trên thực tế, không ít những nhà đầu tư Việt ít kinh nghiệm liều mình bỏ vốn và nhận kết đắng.

"Thông thường, những tin đồn về giá đất, quy hoạch xuất phát từ truyền miệng là chính, sau đó lan dần ra các giới đầu tư, đầu cơ và trên hệ thống mạng không chính thống.

Trong đó, có nhiều tình huống xảy ra là những thông tin này không chính xác, được thổi phồng lên", ông Đính nói.

Ôm đất làng chờ lên phố, nhà đầu tư cầm đèn chạy trước ô tô vỡ mộng - 2

Nhiều địa phương tỉnh lẻ giá đất cũng tăng cao theo các thông tin quy hoạch "ảo". Ảnh minh họa: Nhật Minh

Phó Chủ tịch VARS cho rằng, giới "cò" đất thường tạo ra các tin đồn như vậy để hút đầu tư, những người đầu tư không chuyên nghiệp, ít kinh nghiệm sẽ rất dễ mắc phải "bẫy" tin đồn. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm sẽ có thẩm định tính toán bài bản và chiến lược đầu tư riêng, ít khi tham gia đầu tư lướt sóng.

Vì vậy, với nhà đầu tư ngoài ngành, không chuyên có ít tiền nhưng cũng muốn đầu tư thường bị hút vào những điểm trũng có giá thấp.

Đơn cử như những vùng ở Hòa Lạc, Sơn Tây, Thạch Thất vừa qua cũng "sốt" một thời gian, nhưng chủ yếu là do dân đầu cơ thổi phồng thông tin về các dự án, quy hoạch để "hút" nhà đầu tư.

"Nhiều người không chuyên bị hút vào và ngợp trước thông tin giá đất, quy hoạch, khả năng sinh lời cao. Nhưng, thực chất chiêu trò này chỉ là cách đầu cơ tạo sóng để lừa người đầu tư còn non kinh nghiệm", ông Đính nói.

Ông Đính đưa ra lời khuyên: "Những nhà đầu tư không chuyên phải hết sức thận trọng, muốn tham gia vào thị trường, đầu tư bất động sản thì đừng liều mình nghe theo lời đồn. Theo tôi, nên tìm đến những đơn vị tư vấn, sàn giao dịch chuyên nghiệp để được thẩm định, tư vấn đúng, không nên nhào theo những lời đồn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm