Ô nhiễm môi trường sống và bài toán quy hoạch

Vấn đề ô nhiễm bụi và mới nhất là ô nhiễm nguồn nước sạch tại Hà Nội khiến nhiều người tự hỏi, phải chăng đã đến lúc xem lại vấn đề quy hoạch và thiết kế các đô thị hiện đại?

Khi người dân sống trong "bụi", "rác" và…"nước bẩn"

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo hồi tháng 5/2019 cho biết, trong tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) của cả nước là hơn 1,4 triệu ha (với 828 đô thị các loại), chiếm 4,35% tổng diện tích tự nhiên.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đất đô thị biến động khá lớn, cả nước tăng 81.453 ha (tăng 5,66%). Quỹ đất để phát triển đô thị chủ yếu được sử dụng từ đất nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, đất đô thị toàn quốc sẽ đạt khoảng 1,9 triệu ha. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có tốc độ tăng đất đô thị lớn nhất trong toàn quốc với khoảng 3,8 - 4%/năm.

Mặc dù đất đô thị tăng nhanh, nhưng tỷ trọng đất dành cho các vấn đề xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của đời sống xã hội. Ở nhiều đô thị, quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng rất thấp, có những nơi chỉ chiếm hơn 11%. Bên cạnh đó, hiện chưa có quỹ đất để mở rộng cấp thoát nước đô thị theo nhu cầu phát triển. Các hệ thống hiện nay thường dùng chung với các cơ sở hạ tầng khác, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường sống của người dân.

Ô nhiễm môi trường sống và bài toán quy hoạch - 1

Các đô thị Việt Nam đang phát triển khá nhanh và thay đổi diện mạo mạnh mẽ

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay có thể kể đến như tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi và tập trung chủ yếu ở các nút, trục giao thông, nơi có lưu lượng phương tiện lớn hoặc khu vực có hoạt động công nghiệp. Trong thời gian qua, môi trường không khí đô thị còn chịu tác động bởi hoạt động cải tạo, xây dựng mới các tuyến hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị... Các hoạt động này đã phát tán một lượng bụi lớn vào môi trường, gây ô nhiễm nhiều khu vực lân cận.

Tại Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội - Thực trạng và định hướng giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây đã công bố một nghiên cứu về chất lượng không khí trong nhà ở và ngoài trời tại Hà Nội, chỉ ra nhiều thông tin đáng lo ngại. Theo đó, nhóm nghiên cứu chọn 6 điểm đo ở ngoài trời và 6 điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, tại 6 điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000 - 31.000 hạt/cm3.

Trong đó, điểm đo Linh Đàm có giá trị cao hơn hẳn các nơi khác. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đưa ra là do Linh Đàm gần đường vành đai 3 - nơi có mật độ giao thông lớn. Mặt khác, Khu đô thị Linh Đàm, với dân số rất đông cũng là nơi có mật độ giao thông lớn, góp phần làm tăng ô nhiễm.

Bên cạnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải cũng là vấn nạn tại nhiều khu đô thị hiện tại. Chỉ riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Hà Nội thải ra ước tính đã khoảng 6.500 tấn. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) “hứng” tới 4.500 - 4.700 tấn, nên chỉ cần bãi rác này “hắt xì” là cả Hà Nội “sổ mũi”.

Chưa kể, rất nhiều quận, huyện năng lực thu gom và xử lý rác thải chỉ đạt 70%, điều đó đồng nghĩa với việc, có một lượng lớn rác thải tồn đọng, lưu cữu trong không gian đô thị. Chẳng hạn, tại khu Ngoại giao đoàn thời gian vừa qua, cư dân khu đô thị được quảng cáo là “kiểu mẫu” liên tục ca thán và gửi thư phản ánh tới báo vì tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường bủa vây.

Tại trường mầm non Kitten (địa chỉ BT6 - 13 Khu Ngoại giao đoàn), khu vực đối diện trường chính là địa điểm xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Nước thải được xả ra khu vực trũng tạo thành hố nước đọng có diện tích khoảng 300 m2. Xung quanh hố nước, váng bọt đen ngòm, kết lại thành từng lớp dày lẫn với rác bao phủ bề mặt. Nước thải liên tục đổ tới, hồ bốc lên mùi hôi khó chịu. Trên vỉa hè rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, gạch đá không được phân loại, đổ thành đống, tràn xuống lòng đường.

Trong khi đó, câu chuyện mới nhất là nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô. Nhiều hộ gia đình không dám sử dụng, phải mua nước đóng chai hoặc nước cung cấp từ xe téc.

Bài học đắt giá cho việc phát triển đô thị

Là người có nhiều năm hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực về môi trường, GS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, các đô thị Việt Nam đang phát triển khá nhanh và thay đổi diện mạo mạnh mẽ. Bên cạnh những yếu tố tích cực đạt được, cũng có vô số mặt tiêu cực dễ nhận thấy, đó là các đô thị đang ô nhiễm trên nhiều phương diện, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

Theo bà An, tốc độ đô thị hóa hiện nay rất nhanh, cùng với đó là sự xuất hiện của các khu đô thị lớn và nhà cao tầng, nhưng đô thị hóa rất nhanh lại không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo cuộc sống của con người.

Ô nhiễm môi trường sống và bài toán quy hoạch - 2

Thực tế, ở nhiều đô thị nước ta, diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích; các khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, diện tích đất đô thị “đáng sống” chưa thực sự tương xướng với sự phát triển.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề về môi trường sống của các khu đô thị, xuất phát từ vấn đề về quy hoạch chưa tính toán được hết những yếu tố về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở gắn bó trực tiếp với người thụ hưởng. Trong đó, việc mở rộng quá mức không gian đô thị tạo ra mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển, hay phát triển để bảo tồn di sản đô thị… đảm bảo đô thị phát triển bền vững.

Chẳng hạn, nhiều khu vực nội thị cũ đều được xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ ngày càng xuống cấp, chưa được đầu tư, nâng cấp cải thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Các khu vực đô thị mới, mở rộng với những quy hoạch không tính toán đầy đủ việc tiêu thoát nước tổng thể cho cả vùng, dẫn đến các khu đô thị mới ngăn cản hoặc làm chậm tốc độ thoát nước của các khu đô thị cũ, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Phần lớn các đô thị hiện nay, kể cả hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra những vấn nạn điển hình cho các đô thị quy hoạch kém trên thế giới là ngập nước thường xuyên, ô nhiễm nghiêm trọng và thiếu hụt trầm trọng phương tiện giao thông công cộng. Những vấn nạn này gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhất là cho cuộc sống của người dân.

Có thể kể đến các mặt trái như xây dựng trái phép, hay vi phạm giấy phép xây dựng; quy hoạch đô thị chất lượng thấp, không bền vững; quy hoạch chi tiết thường xuyên bị điều chỉnh theo lợi ích của các chủ dự án, bất lợi cho người tiêu dùng hoặc xã hội; tình trạng lấn sông, lấn biển, tư nhân hóa các bờ sông, bờ biển.

Theo TS-KTS Lê Xuân Hùng (Đại học Kiến trúc Hà Nội), nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều lý do, bao gồm: Công tác lập quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thực thi quy hoạch chưa đồng bộ hoặc bị điều chỉnh khác so với quy hoạch được duyệt; việc giám sát thực hiện quy hoạch. Những kế hoạch phát triển đô thị được xây dựng theo cách làm này tạo nên các “mảnh ghép xôi đỗ” trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, dẫn đến tình trạng quy hoạch cấp dưới phá vỡ quy hoạch cấp trên, tạo nên các bất cập và khó khăn cho chính đô thị.

Theo ThS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Thành Nam, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thiết kế và quy hoạch đô thị, để tạo ra môi trường bền vững, quy hoạch đô thị không thể quên các yêu cầu chi tiết liên quan đến sức khỏe, sự đa dạng văn hóa và mong muốn chính đáng của cộng đồng. Một quy hoạch lý tưởng là dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân. Quy hoạch phải làm sao tạo ra đô thị mà ở đó nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ cảm giác thanh bình từ môi trường sống.

Theo: Trang Ninh
Đầu tư Bất động sản
Ô nhiễm môi trường sống và bài toán quy hoạch - 3