Nước ngoài thâu tóm đất đai: Rủi ro về cả kinh tế, quốc phòng, an ninh
“Việc các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nhiều khu vực đất rộng ở các vị trí đắc địa về quốc phòng, an ninh dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều rủi ro khá cao về cả kinh tế, quốc phòng và an ninh”.
Hiện nay, thông qua việc mua bán cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều vị trí đất 'đắc địa' tại Việt Nam như đất ven biển, biên giới và tại các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: Kể từ khi đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đường lối hội nhập toàn diện với kinh tế thế giới. Đầu tiên là khuyến khích đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ngay từ năm 1987 với Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng thực hiện nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ chính thức của chính phủ (ODA) cho Việt Nam, có thể dưới dạng hỗ trợ cho vay hoặc hỗ trợ không hoàn lại.
Tiếp theo, việc mở thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tạo ra một kênh mới cho hội nhập kinh tế quốc tế. Lúc đầu, ta chỉ cho các doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phiếu dưới 50%, nhưng sau đó nhu cầu hội nhập và tận dụng vốn cho phát triển đã buộc ta có chính sách “nới room” cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán, tức là có thể mua trên 50%. Đến nay, ta cho phép các doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu, vậy là cửa đã rộng mở hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài chi phối các doanh nghiệp trong nước. Quá trình này diễn ra dưới dạng chung là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) theo hình thức mua cả doanh nghiệp hoặc mua dự án của doanh nghiệp.
Với vốn của doanh nghiệp trong nước, thường giá trị quyền sử dụng đất dưới dạng tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trả một lần chiếm tỷ lệ cao. Kể cả khi giá trị quyền sử dụng đất không hình thành trong hình thức thuê đất trả tiền hàng năm mà doanh nghiệp có “thay đổi chủ” thì doanh nghiệp đó vẫn có quyền sử dụng đất. Như vậy là quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tạo nên cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nhiều khu vực đất rộng ở các vị trí đắc địa về quốc phòng, an ninh.
Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ dẫn đến các hệ quả đương nhiên như vậy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã mua các doanh nghiệp quan trọng của Mỹ, Canada, EU, Australia, New Zealand,... Chính phủ các nước này đã có những chính sách cấm các doanh nghiệp quan trọng trong nước bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
-Vậy, theo ông, tại Việt Nam, pháp luật liên quan về vấn đề này đã đủ chặt chẽ?
Tại Việt Nam, luật pháp của ta đã có quy định về cho thuê đất các dự án FDI, ODA đều phải có ý kiến đồng ý của bên quốc phòng, an ninh cấp tỉnh. Trên thực tế thực hiện, có thể có sai sót, có thể quốc phòng, an ninh của tỉnh thấy là được nhưng quốc phòng, an ninh trung ương lại thấy là không được. Như vậy, có thể thấy là Nhà nước ta đã có dự báo tốt và tạo cơ chế kiểm soát được việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua FDI hoặc ODA.
Bên cạnh đó, ta có vẻ bị động về kiểm soát việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức M&A. Nói thẳng, ta chưa có chính sách nào để kiểm soát. Bên cạnh đó, hiện nay đang còn một hình thức tổ chức nước ngoài mượn người Việt, chủ yếu là người Việt gốc nước ngoài, nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước (với giá cao hơn thị trường) để hợp nhất đất đai trên phạm vi rộng tại những khu vực đắc địa nhằm chi phối thị trường, thậm chí có thể chi phối cả an ninh quốc gia.
-Tình trạng trên dẫn đến những rủi ro gì, thưa ông?
Tất nhiên là đang tồn tại nhiều rủi ro khá cao về cả kinh tế, quốc phòng và an ninh. Chúng ta phải thấy là “mở cửa” thì ta đón được cả “gió lành” và “gió độc”. Không có hệ thống pháp luật nào chỉ đón được “gió lành” mà ngăn được “gió độc”. Để ngăn “gió độc”, phải sử dụng nhiều rào cản kỹ thuật, nhiều khi phải rất tinh vi.
Tư duy về rào cản kỹ thuật để ngăn “gió độc” của ta chưa nhiều. Ta cần nghiên cứu kỹ và hình thành các giải pháp kỹ thuật.
-Phải chăng quy định của pháp luật quá lỏng lẻo nên nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài dễ dàng lợi dụng để thâu tóm đất đai?
Như trên tôi đã nói, pháp luật của ta đã đủ chặt chẽ đối với các dự án FDI và ODA, chưa có giải pháp gì đối với M&A (thông qua chứng khoán hoặc mua bán, sáp nhập trực tiếp) và cũng chưa có tư duy gì đối với hình thức mượn tên người Việt để tiếp cận đất đai theo hình thức chuyển quyền sử dụng đất giữa các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
Cũng như trên đã nói, pháp luật không phải là giải pháp toàn diện mà cần đến các rào cản kỹ thuật. Hơn nữa, cần phải có sự tham gia của an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế vào thu nhận thông tin.
Mặt khác, tôi cho rằng tư duy của ta cũng đang nặng về kiểu nhị nguyên. Trước một đối tác, ta thường hướng theo tư duy xác định đây là “địch” hay là “ta”. Trong một thế giới lưỡng cực thì tư duy “địch - ta” là có lý, nhưng trong một thế giới đa cực thì không còn ý nghĩa của đây là “địch” hay là “ta”. Điều cần xác định là lợi ích trước mắt là bao nhiêu, lợi ích lâu dài là bao nhiêu trong bài toán phân tích chi phí - lợi ích cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân văn, môi trường. Ta có lợi thì hợp tác, ta thua thiệt thì thôi. Hợp tác với ai có lợi hơn thì làm, nhiều rủi ro thì tránh.
-Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài núp bóng doanh nghiệp trong nước để thâu tóm đất đai?
Về các giao dịch núp bóng, sự thực ta khó xử lý vì đây là những giao dịch mà hình thức khác với nội dung, hình thức là phù hợp pháp luật nhưng nội dung là trái pháp luật. Nói nội dung là trái nhưng khó phát hiện và kết luận về tình trạng “đội lốt” này. Về bản chất, tình trạng “đội lốt” này luôn gắn với các rủi ro và mối quan hệ “đội lốt” luôn được bảo đảm bằng luật chơi riêng. Đây chính là nhược điểm của các giao dịch “đội lốt” mà ta có thể khai thác để quản lý hướng tới một thị trường lành mạnh hơn.
-Nhà nước có cần cấm việc mua bán các dự án tại các vụ trí đất 'đắc địa' của Việt Nam như đất ven biển, biên giới và tại các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng không, thưa ông?
Hiện nay, việc chuyển nhượng dự án mà không có phần vốn của nhà nước được thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường nếu là chuyển nhượng cho các tổ chức kinh tế trong nước. Theo tư duy áp dụng pháp luật đầy đủ thì khi chuyển nhượng dự án mà không có phần vốn của nhà nước cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì phải có ý kiến đồng ý của quốc phòng và an ninh cấp tỉnh. Đối với các dự án có phần vốn của nhà nước thì phải có ý kiến của cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý phần vốn này.
Trong tương lai, chúng ta cần một bản quy hoạch sử dụng đất được phân định rõ ràng, vùng đất nào được sử dụng làm gì, đối tượng nào được sử dụng. Người ta gọi là xác định các hạn chế sử dụng đất theo quy hoạch. Từ đó, có thể thấy dễ dàng quản lý và không e ngại gì quá trình hội nhập quốc tế. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất là một rào cản kỹ thuật cần thiết cho những rủi ro ta đang bàn tới.
-Xin cảm ơn ông!
Theo Bình An
Diễn đàn Doanh nghiệp