Nóng chuyện giải cứu các đại gia: “DN bất động sản không xin hỗ trợ tiền…”
(Dân trí) - Xin hỗ trợ vì Covid-19: Nóng tranh luận chuyện giải cứu “đại gia” địa ốc; Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ tiền, chỉ xin cơ chế... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Xin hỗ trợ vì Covid-19: Nóng tranh luận chuyện giải cứu “đại gia” địa ốc
Bàn về hỗ trợ vì đại dịch hiện nay, có thể thấy, hiện có nhiều luồng ý khác nhau trong việc “giải cứu" bất động sản.
Theo đó, một số chuyên gia cho rằng nên cân nhắc việc giải cứu "đại gia" bất động sản. Trong đó, đặc biệt các vấn đề hỗ trợ liên quan đến tín dụng bởi hầu hết các khoản vay bất động sản thường rất lớn.
Trao đổi với Dân trí về những quan điểm trái chiều trong việc “cứu" đại gia địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản cho rằng, bất động sản cần được bình đẳng như những lĩch vực khác.
Vị này cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp bất động sản không phát triển được thì sẽ kìm hãm nhiều ngành khác, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế.
"Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ tiền, chỉ xin cơ chế"
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đã gặp khó khăn , vướng mắc từ hai năm 2018, 2019. Dịch Covid -19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh.
“Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách”, lãnh đạo HoREA khẳng định.
Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế.
Phân lô bán nền: “Không quản được thì cấm”?
Việc cấm phân lô bán nền chỉ nên áp dụng đối với một số quận, huyện, thị xã… Nếu không sẽ vô tình kìm hãm sự phát triển đô thị, nhu cầu ở thực của một số địa phương đang phát triển.
Đó là chia sẻ của các khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh BĐS và các chuyên gia kinh tế sau khi có thông tin về việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai . Trong đó, thông tin đáng chú ý và được nhiều người quan tâm nhất là “sẽ cấm một số tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô bán nền.
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Quang chia sẻ: Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố đông dân có nhu cầu rất lớn về nhà ở, đất ở. Và hiện đất ở tại các khu vực quận, huyện trung tâm gần như không còn quỹ đất cho nhu cầu phân lô bán nền, mà chỉ còn ở các quận huyện lân cận, ngoại thành. Tuy nhiên, nếu như các quận huyện này cũng bị hạn chế thì chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn cho cơ quan lý lẫn người dân có nhu cầu về nhà ở, đất ở.
Đại gia rót 600 tỷ đồng vào Cocobay Đà Nẵng muốn nhận nhà để tự kinh doanh
Sau hơn nửa năm kể từ thời điểm thông báo chủ đầu tư cho biết không thể trả đủ mức cam kết lãi suất 12% tại dự án Cocobay, trao đổi với Dân trí sáng 9/5, ông Mai Huy Tân cho biết đã quyết định chọn phương án nhận bàn giao lại tài sản.
“Chủ đầu tư đã đưa ra 4 giải pháp để khách hàng chọn. Ông Thành (tức ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô) gợi ý tôi có thể thanh lý lại cho công ty, ông Thành sẽ trả lại giá gốc toàn bộ 42 bất động sản giá 600 tỷ đồng. Nhưng ông Thành không đưa ra phương án rõ ràng về việc sẽ chi trả như thế nào nên tôi quyết định chọn nhận lại tài sản để tự kinh doanh", ông Tân chia sẻ.
“Tôi chọn cách tự cứu mình. Cocobay có vị trí tốt, nếu biết quản lý tốt thì sẽ không bê bết như vậy. Giờ tôi mong công ty sớm bàn giao đầy đủ để tôi có thể hợp tác với doanh nghiệp có năng quản lý tốt, hồi sinh lại dự án, có dòng tiền thì tôi mới có tiền để trả lãi vay ngân hàng, chúng tôi đang từng ngày chịu cảnh lãi mẹ đẻ lãi con”, ông Tân nói.
Cả nước chỉ còn 200 sàn BĐS hoạt động cầm chừng, vô số môi giới thất nghiệp
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ.
Đáng chú ý, về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
“Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ”, Bộ Xây dựng cho hay.
12 cựu quan chức cấp cao đã ký biên bản trả nhà công vụ cho Bộ Xây dựng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, tất cả 12 cựu quan chức đã ký vào biên bản bàn giao, trả lại nhà công vụ.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, Bộ Xây dựng đã có thông báo gửi 12 cựu cán bộ yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Các cựu quan chức cấp cao này được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức. Theo quy định, sau khi nghỉ hưu phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước.
Tuy nhiên thông báo yêu cầu trả nhà công vụ đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 vị cựu quan chức này nhiều lần nhưng đến nay việc trả nhà vẫn chưa được thực hiện.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)