Những mạch máu đô thị mang tên "cửa hàng tiện lơi"
(Dân trí) - Những du khách lần đầu tới thăm Nhật Bản thường bị choáng ngợp bởi số lượng, chất lượng và sự đa dạng của các cửa hàng tiện lợi.
Chỉ cần bước chân xuống sân bay, du khách có thể bắt gặp các cửa hàng tiện lợi ở mọi nơi, mọi lúc với nhiều thương hiệu, logo khác nhau.
Lawson
Lawson là một trong ba chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Nhật Bản. Cách đây khoảng 88 năm, J.J. Lawson, một nhà sản xuất sữa từ Ohio, đã đưa ra ý tưởng sẽ mở các cửa hàng nhỏ để khách hàng đến với mình thay vì tốn thời gian và tiền bạc để giao sữa cho các nhà trên khắp cả nước.
Năm 1975, thương hiệu Lawson hợp tác với nhà bán lẻ Daiei của Nhật Bản để mở cửa hàng nhượng quyền tại thành phố Toyonaka. Kết quả là Lawson phát triển mạnh bởi sự hấp dẫn và phù hợp với thị trường đông dân như Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi Lawson phát triển với 14.000 cửa hàng trên khắp đất nước thì công ty mẹ tại Mỹ lại phá sản.
Số lượng cửa hàng tiện ích
Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết các góc phố tại Nhật đều có một cửa hàng tiện lợi. Theo thống kê gần đây, có hơn 55,6 nghìn cửa hàng tiện lợi đang hoạt động ở Nhật Bản mỗi ngày. Như vậy, ước tính cứ 2.287 người dân thì sẽ có một cửa hàng tiện ích.
7-Eleven
Giống như hầu hết các nơi khác trên toàn cầu, 7-Eleven cũng là một trong những hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển nhất ở đất nước mặt trời mọc. Tại Nhật Bản, 7-Eleven trở thành nhà bán lẻ đầu tiên đạt mốc 20.000 cửa hàng trên khắp đất nước.
Hokkaido có số cửa hàng trên đầu người nhiều nhất
Hokkaido có 2.971 cửa hàng, có nghĩa là cứ 1.801 người tương ứng với 1 cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, Tokyo mới là nơi có nhiều cửa hàng nhất với hơn 7.280 cái.
Thực phẩm tươi 24/7
Tại các cửa hàng tiện ích, các món hàng luôn giữ được sự tươi mới của mình để phục vụ khách hàng. Hiroaki Tamamaki, Tổng Giám đốc Phát triển Kinh doanh của FamilyMart, nói với Financial Times rằng mỗi cửa hàng của FamilyMart đều được giao hàng tươi ba lần một ngày, ứng với một lần cho mỗi bữa ăn.
Nếu điều đó là không đủ, thời gian giao hàng liên tục bị rút ngắn để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả thực phẩm tươi sống này đều có một nhược điểm. Năm 2003, khoảng 600.000 tấn thực phẩm tồn đọng đã bị bỏ đi từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên toàn đất nước. Theo báo cáo, số lượng đó đủ để nuôi sống 3 triệu người mỗi ngày.
Giao hàng
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tươi ngon, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, các cửa hàng tiện lợi của Nhật ngày càng có nhiều dịch vụ hơn. Điển hình như việc 7-Eleven công bố Net Konbini, một dịch vụ giao hàng trực tuyến. Net Konbini sẽ cho phép người dùng đặt hàng mà họ sẽ nhận được trong vòng một đến hai giờ. Người dùng có thể đặt hàng bất cứ thứ gì có sẵn từ các cửa hàng truyền thống và chọn thời gian giao hàng trong khoảng từ 8 giờ sáng đến 11 giờ tối. Dịch vụ hiện đang trong giai đoạn khởi chạy thử và sẽ sự hoàn thiện thêm trong tương lai tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Phòng tập FamilyMart
Sự khác biệt giữa ba ông lớn trong ngành bán lẻ này tại Nhật Bản là rất nhỏ. Cả Lawson, FamilyMart và 7-Eleven đều cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, để đi đường dài, họ buộc phải có thêm những kế hoạch đột phá. Với FamilyMart, sự khác biệt đến từ các phòng tập Fit & Go được mở cửa 24/7 và mang thương hiệu FamilyMart.
Ở một đất nước mà không gian là thứ tương đối xa xỉ cũng như việc các phòng tập thể dục ít phổ biến, FamilyMart đã nhận ra điều đó và chủ động đánh vào thị trường này.
Trong khi 7-Eleven có ở khắp mọi nơi, Slurpees là một món hiếm
Slurpees là một loại đồ uống hoa quả phủ đá bào ở trên. Đó là món đặc trưng tại các cửa hàng 7-Eleven. Đối với hầu hết khách hàng phương Tây, Slurpees là thứ đồ giải khát hoàn hảo. Nhưng ở Nhật Bản, thức uống chưa bao giờ được coi là thực sự nổi tiếng. Vì vậy, nếu đam mê loại đồ uống này, du khách cần tìm hiểu thật kỹ trước khi hành trình bắt đầu. Một vài người đã từng tập hợp lại các cửa hàng 7-Eleven có Slurpees trên bản đồ, tuy nhiên, chúng cũng khá thưa thớt.