Những khoảng trống khó lấp đầy sau 10 năm thảm họa kép ở Fukushima
(Dân trí) - Trước thảm họa kép tháng 3/2011, thị trấn nhỏ Namie từng tập trung tới 25 công ty chế biến thủy sản. Nhưng hiện tại, chỉ còn 1 doanh nghiệp trụ lại, là Shibaei.
Đó là công ty của gia đình ông Koichi Shiba, 82 tuổi, vừa mở cửa trở lại vào năm ngoái. Bản thân người đàn ông này cũng cho rằng thời kỳ thịnh vượng của nghề chế biến cá sẽ khó có thể quay trở lại với Namie, thị trấn chỉ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 10 km. "Không ai muốn quay trở lại nơi đây khi đã ổn định ở chỗ ở mới", ông tâm sự với Nikkei bên ngoài cửa hàng vừa mới xây dựng lại của mình.
Dù đã 10 năm trôi qua kể từ ngày trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản gây ra sóng thần khổng lồ, khiến 20.000 người chết và mất tích, phá hủy 122.000 ngôi nhà và khiến lò phản ứng hạt nhân rò rỉ phóng xạ, đẩy 470.000 cư dân rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, những khu vực bị ảnh hưởng lớn như Namie vẫn phải vật lộn để phục hồi.
Thời điểm 2011, người dân sống trong bán kính 20km xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima được lệnh di tản 160.000 người. Tuy nhiên, đến tận năm 2017, số lượng người quay trở lại khi lệnh tản cư được bãi bỏ là rất ít ỏi. Với Namie, chỉ khoảng 1.000 trong số 21.000 người đã ra đi quay trở lại với quê hương. Ngay cả ông Shiba cũng từng giữ ý định định cư vĩnh viễn tại vùng ven Tokyo, nếu như không có lời kêu gọi tha thiết từ chính quyền địa phương và những ngư dân còn bám trụ lại ở vùng đất ven biển này. Ông ly giải lý do quay về "là làm điều gì đó tốt đẹp cho thị trấn".
Về phía Chính phủ Nhật Bản, nhiều gói cứu trợ, đầu tư công đã được đổ dồn về các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa năm nào. Hơn 280 tỷ USD được chi nhằm tái thiết lại cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các nạn nhân, và một kế hoạch chi tiêu khác trị giá gần 15 tỷ USD nữa sẽ tiếp tục được giải ngân trong giai đoạn 2021-2025. Trên thực tế, ngoại trừ vùng lõi cấm của Fukushima, nhiều đô thị, trường học, giao thông, văn phòng cơ quan đã được xây dựng lại, đưa kinh tế của ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất - Miyagi, Iwate và Fukushima - đã tăng hơn 10% trong năm 2017 so với thời kỳ trước thảm họa.
Với những con người quyết định quay trở lại vùng đất quê hương, xây dựng lại nơi này như thể là cách họ viết tiếp giấc mơ của những người đã ra đi và của chính mình. Khi Kyouko Tanaka trở lại Fukushima năm 2015 và quyết định mở cửa hàng bán đồ ăn, cô nhận thấy 20 người từng là đối tác cung cấp thực phẩm cho mình đã chết vì động đất và sóng thần. "Nhưng tôi sẽ cố gắng cầm cự ít nhất 10 năm, vì lợi ích của mọi người".
Ông Takeshi Kanno, 71 tuổi, cũng đã mất tới gần 10 năm để có thể dựng lại ngôi nhà trên nền đất của căn hộ năm xưa sau thời gian dài đàm phán với chính quyền địa phương. Ông quyết định sẽ sống ở đó đến cuối đời, bất chấp những lo ngại về an toàn.
Dẫu vậy, các quan chức Nhật Bản vẫn phải thừa nhận trận động đất ngày 11/3/2011 đã và đang làm trầm trọng hơn những thách thức cũ và mới của kinh tế nói chung và các vùng nông thôn ven biển nói riêng. Khi Tohoku tiếp tục vật lộn với tình trạng suy giảm dân số vì phụ thuộc nhiều vào ngành nông nghiệp, ngư dân Fukushima chỉ có thể ra biển tối đa 3 lần một tuần do yêu cầu về an toàn hậu thảm họa, thì corona ập đến, giáng thêm đòn mạnh vào nỗ lực của người dân và chính quyền.
Lãnh đạo thị trấn Onagawa, tỉnh Miyagi là ông Masanori Takahashi Onagawa cho hay dân số của nơi này hiện chỉ còn 6.000 người, giảm gần một nửa so với mốc 10.000 người trước khi thảm họa xảy ra. "Nền kinh tế đang suy sụp. Coronavirus tới khiến ngành du lịch trì trệ, trong khi đó là một trong những trụ cột kinh tế của cả vùng. Dù cơ sở vật chất đã được xây dựng lại gần như toàn vẹn, nhưng để cuộc sống người dân quay trở lại như trước thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Mọi chuyện sau này, có lẽ, phụ thuộc vào thế hệ trẻ", người đàn ông 71 tuổi nói.