Những chiếc kiệu chiến rực rỡ trong lễ hội nguy hiểm nhất Nhật Bản
(Dân trí) - Là một trong ba lễ hội nguy hiểm nhất Nhật Bản, lễ hội Omihachiman Sagicho gây ấn tượng với người xem bởi các màn kiệu chiến và đốt lửa tưng bừng.
Điểm nhấn của lễ hội Omihachiman Sagicho là màn tranh giành, chen vai thích cánh để đẩy ngã kiệu của đối phương. Sau đó, những chiếc kiệu khổng lồ được tập trung lại và đốt trong đám cháy rực rỡ với đám đông reo hò, nhảy múa xung quanh.
Lễ hội được tổ chức tại thành phố Omihachiman, tỉnh Shiga và còn có tên gọi là lễ hội lửa đền Omihachiman (Omihachiman no Hi-matsuri). Đây là lễ hội thường niên được tổ chức vào dịp cuối tuần của tuần thứ ba trong tháng Ba.
Tên của lễ hội Sagicho để chỉ những chiếc kiệu khổng lồ được 13 cụm dân cư trong thành phố chuẩn bị trong hàng tháng trời trước khi lễ hội diễn ra. Những chiếc kiệu được gắn những bó rơm, những ngọn đuốc gỗ thông cỡ lớn và những chiếc cọc tre được trang trí bằng những mảnh giấy đỏ.
Nguyên liệu để trang trí cho các cỗ kiệu là những nông sản địa phương như đậu đỗ, các loại mỳ, các loại hải sản để tạo thành hình con giáp tượng trưng cho năm mới theo âm lịch.
Vào trưa ngày đầu tiên của lễ hội, người dân sẽ tập trung tại đền Himure Hachimangu để bầu chọn những chiếc kiệu Sagicho được trang trí đẹp nhất, bắt mắt nhất.
Sau đó, những chiếc kiệu sẽ được rước về trung tâm khu phố cổ trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân và những đoàn vũ công trình diễn các điệu múa sôi động. Khắp nơi khi đoàn rước đi qua, người ta lại hô vang khẩu hiệu "Cho yare, yare yare" mang đến âm thanh náo nhiệt.
Những người đàn ông rước kiệu được gọi là odoriko và phải trang điểm rất sặc sỡ. Tương truyền, lãnh chúa Oda Nobunaga từng trang điểm và nhảy múa khi tổ chức lễ hội Sagicho để mừng năm mới nên ngày nay, những người đàn ông rước kiệu trong lễ hội Omihachiman Sagicho vẫn giữ tục lệ trang điểm.
Khi những đoàn rước kiệu tình cờ gặp nhau trên đường đi, họ sẽ lao vào cố gắng đẩy ngã kiệu của đối phương. Màn kiệu chiến này được gọi là "kenka" và thường diễn ra rất kịch tính, đôi khi khiến các phu rước kiệu bị thương nhẹ. Du khách cũng được khuyến cáo giữ khoảng cách an toàn khi quan sát các màn kiệu chiến để tránh bị thương.
Cuối cùng, các cỗ kiệu được rước về đền Himure Hachimangu và được tập trung lại và đốt trong đám cháy kéo dài tới vài giờ. Trong thời gian này, người dân tập trung nhảy múa, reo hò xung quanh ngọn lửa để cầu mong cho năm mới bình an, thịnh vượng.