Chuyên gia:

Nhiều người dễ đến khó hiểu, rót đồng tiền vào đất rồi nhận... "vịt trời"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, sự tham lam của nhiều người, sự dễ dãi của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư và sự lỏng lẻo trong quản lý của chính quyền nên có cả chuyện "bán vịt trời" trong phân lô bán nền.

Bỏ tiền mua đất mà không hay biết vị trí, "mặt mũi" miếng đất ra sao

Lao vào cơn "sốt" đất, nhiều nhà đầu tư săn đất nền chấp nhận "đặt cọc" lướt sóng ngay cả khi không biết "mặt mũi" miếng đất ra sao. Dân gian có câu "liều ăn nhiều" song không ít nhà đầu tư phải "méo mặt" hay thậm chí nhận kết đắng.

Đầu tháng 3/2021, chị H. Thủy được người em rủ đặt cọc "lướt sóng" lô đất khoảng ở một dự án khu vực Bắc Giang, giá khoảng 25 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, khi hỏi vị trí lô đất ra sao thì chị Thủy thở dài: "Tôi đã lên xem đâu. Tôi thấy người em nói phải đặt cọc rồi mới bốc thăm lô đất, tôi đã chuyển đặt cọc, sau đó bạn ấy bốc thăm, thấy báo về là lô đất có vị trí xấu", chị Thủy buồn bã tâm sự.

Nhiều người dễ đến khó hiểu, rót đồng tiền vào đất rồi nhận... vịt trời - 1

Câu chuyện đua nhau "lướt cọc" hay chen chúc, xếp hàng để được "bốc thăm" mua đất không phải hiếm thời gian qua.

Hai chị em chị Thủy có kế hoạch "đẩy" lô đất đi trong tuần do sợ thị trường "hạ nhiệt" thì những lô đất có vị trí không được đẹp sẽ khó "thoát hàng". "Tiền mặt tôi không có nhiều, hơn nữa tôi rất sợ "chôn" vốn ở những khu vực xa xôi như vậy. Nếu không bán được thì cũng chưa biết tính làm sao", chị Thủy than thở.

Theo ghi nhận vừa qua, nhiều dự án đất nền mở bán theo đúng kiểu "tranh mua bán cướp" bởi chính sự dễ dãi của không ít các nhà đầu tư.

Một dự án ở Thái Nguyên có số lượng mở bán là 50 lô nhưng có tới gần 400 khách, môi giới… xếp hàng đợi sẵn. Khi giờ mở bán bắt đầu, gần 400 người được báo chí miêu tả là "tranh cướp" đặt cọc. Chỉ sau 20 phút, chủ đầu tư báo "hết hàng". Không ít người hụt hẫng mang theo sự hụt hẫng ra về.

Câu chuyện đua nhau "lướt cọc" hay chen chúc, xếp hàng để được "bốc thăm" mua đất không phải hiếm thời gian qua. Thậm chí, có người còn gọi thị trường thời gian qua "nóng" tới mức như "chảo dầu sôi" và không ít người bỏ qua mọi yếu tố cần cân nhắc trước khi mua bất động sản, miễn sao "mua được là tốt".

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm (phản ánh nhu cầu thị trường) và lượng tin đăng (phản ánh nguồn cung) 30 ngày sau Tết Nguyên đán tăng mạnh so với 30 ngày trước Tết, lần lượt là 76% và 36%. So với thời điểm sau Tết năm trước, lượt quan tâm cũng tăng tới 43%.

Các khu vực có lượt quan tâm tăng mạnh trải rộng từ Bắc vào Nam. Tính đến ngày 15/3, lượng quan tâm một số khu vực tiêu biểu như Bắc Giang tăng 256%, Bắc Ninh tăng 113%, Hải Phòng tăng 84%, Quảng Ninh tăng 147%, Đà Nẵng tăng 35%, Lâm Đồng tăng 80%, Đồng Nai tăng 18%, Vũng Tàu tăng 43%, Long An tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rót tiền tỷ vì nghe bùi tai, mong lãi gấp 2-3 lần số vốn, nhà đầu tư ăn cú lừa

Đề cập đến tình trạng nhiều người chưa tìm hiểu cặn kẽ, bất chấp lao vào "sốt" đất ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: "Thị trường sốt đất về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản".

Theo ông Võ, một nhóm không nhỏ các nhà đầu tư không chỉ "mắc lừa" trong phân lô bán nền mà còn có cả "lan đột biến", "đa cấp". Nhiều người ham làm giàu một cách dễ dãi, rất dễ sa lưới vào mưu kế của một số người nào đó, trong đó có những người là dự án "ma".

"Các nhà đầu tư này rất dễ "bùi tai" rồi dễ dàng tham gia, hy vọng được lãi gấp 2-3 lần. Thậm chí chẳng tìm hiểu mà chỉ tin lời hứa. Như dự án Alibaba lên tới hàng mấy nghìn tỷ đồng lừa đảo, toàn tiền của dân chứ đâu. Tại sao lại chỉ nghe thấy bùi tai mấy câu đã đem cả tỷ đồng quăng vào chỗ này chỗ kia?", ông Võ đặt vấn đề.

Nhiều người dễ đến khó hiểu, rót đồng tiền vào đất rồi nhận... vịt trời - 2

Biển mua bán đất được dựng lên nườm nượp như bán hàng rong. Ảnh: Trung Kiên.

Theo ông Võ, kỹ năng sống, kỹ năng đầu tư đó là vấn đề rất lớn hiện nay để đưa thị trường trở nên lành mạnh hơn. "Trước lời đường mật nên cảnh giác thế nào cho đỡ bị lừa. Nhiều dự án mở bán thì chen nhau mua, vã mồ hôi, không tìm hiểu kỹ, tạo ra hàng loạt rủi ro", ông Võ nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đưa lời khuyên với các nhà đầu tư: Mua bất kỳ sản phẩm bất động sản nào thì cũng cần quan tâm, tìm hiểu đầy đủ toàn diện.

"Rất hay, khi mua cái ô tô 500 giá triệu đồng thì "soi" đủ cả, kể cả thái độ người bán hàng. Nhưng mua nhà đất thì đúng như Giáo sư Võ nói, còn dễ dãi. Nếu cẩn thận và tìm hiểu kỹ sẽ đảm bảo bớt rủi ro", ông Thái nói.

Còn theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, chính sự tham lam của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, sự dễ dãi của một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư và sự lỏng lẻo trong quản lý của chính quyền nên có cả chuyện "bán vịt trời" trong phân lô bán nền.

"Một mảnh đất chẳng có ai cả, tự nhiên có người ra chỉ đây là đất của họ có thể phân lô bán nền, rồi người mua đặt tiền. Nhưng cuối cùng chủ sở hữu mảnh đất đó cũng chẳng phải của họ. Nên đây là những câu chuyện liên quan đến thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn nhà đầu tư", ông Ánh nhấn mạnh.

Theo ông Ánh, quan trọng nhất vẫn là vấn đề nâng cao dân trí trong việc tham gia vào thị trường bất động sản, cả về nhu cầu ở, đầu tư hay đầu cơ. Nếu cần thiết có thể thuê luật sư trong việc thực hiện các hợp đồng bất động sản.