Nhiều lo ngại về việc người nước ngoài mua nhà, Bộ Xây dựng nói gì?

(Dân trí) - Trả lời kiến nghị cử tri TP. Cần Thơ, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương…

Nhiều lo ngại về việc người nước ngoài mua nhà, Bộ Xây dựng nói gì? - 1
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương...

Trong kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ gửi tới Bộ Xây dựng có đề cập đến tình trạng người nước ngoài mua nhà thu hút sự quan tâm của dư luận vừa qua.

Theo đó, cử tri đã đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình trạng người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương và cả nước nói chung.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời. Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật về quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam đến nay đã được xây dựng tương đối đồng bộ và đầy đủ.

“Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương như kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ”, Bộ Xây dựng cho biết.

Dẫn quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99 của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định; thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm.

Quy định cũng hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới.

Còn theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và thông báo cho UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà.

Tại Điều 76 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP đã quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Căn cứ vào thông báo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng có trách nhiệm công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở các nội dung như: danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn nằm trong khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Ngoài ra cũng phải công khai số lượng căn hộ chung cư tại mỗi tòa nhà chung cư, số lượng nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, thuê mua, đã được cấp Giấy chứng nhận tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở; số lượng căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu...

Nghị định số 139 của Chính phủ đã quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài như: Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định; Bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu; Không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Trước đó, tổng hợp văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã nêu phản ánh của cử tri TP Đà Nẵng về việc, hiện nay, "ở một số địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia".

Do vậy, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần "xem xét cẩn trọng, cảnh giác" để đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia.

Trước tình hình trên, Bộ Công an cũng cho biết đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án.

Bộ Công an cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài; khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng dự án trái phép...

Nguyễn Mạnh